Amazon FBA vs Dropshipping: Nên chọn mô hình kinh doanh online nào?

Cập nhật: 31/10/2023
Danh mục: Amazon, Dropshipping
YouTube Thumbnail 2

Nên làm Amazon FBA hay dropshipping, mô hình kinh doanh nào có lợi nhuận tốt nhất, và bền vững lâu dài nhất?

Thực ra chúng đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn mô hình kinh doanh sẽ tùy thuộc vào ưu điểm và lợi thế của từng người.

Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích ưu điểm và nhược điểm của mô hình kinh doanh này, để giúp bạn có thêm phương hướng lựa chọn. Việc lựa chọn mô hình kinh doanh là rất quan trọng, bởi vì đó có thể sẽ là dự án mà bạn phải gắn bó lâu dài, có thể phải làm trong vòng một vài năm để có thể thành công.

Nói nhanh: Amazon FBA vs Dropshipping, nên chọn cái nào?

Đối với cá nhân tôi, thì tôi chọn Amazon FBA. Trong suốt mấy năm qua, tôi đã làm kinh doanh online với đủ mọi thể loại, tôi làm affiliate marketing khá nhiều.

Vậy nên, tôi đã học được một bài học sương máu: Thương hiệu là yếu tố quyết định để thành công.

Bạn làm nhiều rồi sẽ thấy, xây dựng được thương hiệu rất là khó. Nhưng nếu có thương hiệu tốt rồi, thì sau đó bán hàng sẽ rất dễ.

Các bạn làm affiliate mà có bán hàng cho thương hiệu lớn, thì tỷ lệ chuyển đổi thường rất tốt. Còn khi quảng bá cho các công ty không có tên tuổi thì… sẽ khá khó khăn.

Sau nhiều năm, Amazon đã xây dựng được một thương hiệu rất uy tín, họ đầu tư rất nhiều tiền để phát triển thương hiệu. Khách hàng đã tin cậy Amazon, đã lưu thẻ trên Amazon, bấm một click là mua thôi.

Vậy nên, để thành công nhanh chóng nhất, thì hãy dựa lưng vào thương hiệu của Amazon, đó là cách tối ưu nhất.

Đọc thêm: Dropshipping hết thời – Đọc kỹ trước khi tham gia mô hình kinh doanh quá cạnh tranh này

Ưu điểm khi làm Amazon FBA

Khi làm Amazon FBA, bạn có thể mượn nhờ thương hiệu của Amazon, từ đó giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi lên mức cao vút, bạn có thể bán hàng trực tiếp cho những khách hàng đã tin cậy Amazon.

Nhưng mà… Amazon FBA khó làm. Khó thật đấy, không phải ai cũng làm được. Sau đây tôi sẽ phân tích ưu điểm, nhược điểm của mô hình kinh doanh Amazon FBA.

Tiếp cận danh mục khách hàng lớn

Có đến 50% khách hàng Mỹ là mua hàng trên Amazon FBA. Khi bán hàng trên Amazon, bạn được truy cập trực tiếp vào danh mục khách hàng của họ. Đó là hơn 200 triệu người mua hàng (số liệu năm 2020).

Amazon FBA customer chart

Amazon giống như một cái chợ, người ta vào Amazon là để mua hàng, họ đã có suy nghĩ trong đầu là “muốn mua”, và chỉ cần đặt ra một sản phẩm đủ tốt, là sẽ có sale.

Bán hàng trên Amazon dễ có sale hơn nhiều so với dropshipping. Thông thường khi các bạn làm dropshipping, thì sẽ phải thiết kế một landing page thật chuyên nghiệp, tối ưu thật tốt, thì mới bán được.

Bán được thì cũng được, nhưng tỷ lệ chuyển đổi vẫn thấp hơn nhiều so với Amazon.

Dữ liệu lớn, lợi nhuận cao

Khi làm Amazon FBA, bạn có thể dùng các công cụ như Helium 10, Jungle Scout để phân tích dữ liệu. Bạn sẽ biết được các từ khóa, lượng tìm kiếm, hành vi khách hàng, tỷ suất lợi nhuận, xu hướng…

Khi bạn đã nắm trong tay nhiều dữ liệu, thì tỷ lệ chiến thắng của bạn sẽ cao hơn. 

Mặc dù làm Amazon FBA thường rất mệt trong giai đoạn đầu, nhưng nếu làm bài bản thì tỷ lệ thắng sẽ cao, và sẽ nhàn hơn khi bạn đã có thương hiệu sản phẩm.

Bạn có thể tham khảo khóa học Amazon FBA này để học về Amazon một cách bài bản nhất. Khi bạn nắm vững kiến thức, thì tỷ lệ rủi ro trong kinh doanh sẽ giảm xuống thật thấp.

Mượn sức lực của người khác để thành công

Một trong những bí quyết giúp Amazon phát triển hùng mạnh, đó là hệ thống affiliate. Họ trả tiền cho các affiliate khoảng 5% mỗi khi bán được đơn hàng, và rất rất nhiều affiliate đã hùng hục đến đầu quân cho họ.

Chỉ cần bạn tạo được một sản phẩm tốt và rank lên top, thì sẽ có những affiliate tìm tới cửa, và quảng bá sản phẩm cho bạn miễn phí.

Amazon sẽ trả tiền cho các affiliate, và bạn hoàn toàn không phải lo. Đây chính là cách mượn lực của người khác để thành công.

Ghi chú: hoa hồng affiliate chỉ thấp khoảng 2 – 5%, vậy tại sao họ lại chịu làm? Bởi vì nếu họ làm SEO, kéo được lượng người mua hàng lớn, thì 2% cũng không phải là nhỏ đâu nhé.

Lợi nhuận cao hơn so với dropshipping

Với Amazon FBA, bạn sẽ cần đàm phán và mua hàng trực tiếp từ nhà máy, nên lợi nhuận sẽ cao. Sản phẩm $5 có thể bán lên $30.

Ấy ấy… đừng vội mừng sớm, không phải dễ dàng đâu.

Ví dụ với sản phẩm giá $5 mua từ, phí vận chuyển sang Mỹ tốn $5, chi phí cho Amazon giao hàng là $10. Bạn chỉ còn lại $10, trừ đi chi phí quảng cáo nữa… thì còn lợi nhuận được $5… là rất mừng rồi.

Sự thật là thông thường những người làm Amazon FBA, với sản phẩm $5 thì họ sẽ thu về từ $3 – $5 (lợi nhuận). Đó là con số ước lượng thôi, tức là được 50% – 100% roi.

Chôm thành tích của những người làm dropshipping

Nhiều người khi xem quảng cáo của những người làm dropshipping, cho dù họ thích thì họ cũng không mua hàng ngay, mà họ sẽ vào Amazon, để xem có sản phẩm tương tự hay không.

Nếu có sản phẩm tương tự, thì người ta sẽ mua sản phẩm trên Amazon. Bởi vì người ta tin cậy Amazon, họ sẽ hạn chế mua ở những trang web dropshipping không có tên tuổi, để tránh rủi ro.

Như vậy, những người làm dropshipping, mặc dù chạy quảng cáo nhưng sẽ có khả năng mất khách về tay của Amazon. Nên họ thường tìm những sản phẩm cực độc lạ, không có trên Amazon để làm.

Việc nhẹ lương cao (tùy người)

Làm Amazon FBA sẽ khá căng vào thời điểm ban đầu. Thật sự rất căng thẳng. 

Nhưng khi công việc đã đâu vào đấy, thì rất nhẹ. Bạn có thể nghỉ cả tuần, nhưng vẫn có Sales. Amazon sẽ tự động bán hàng cho bạn.

Một số cao thủ, khi họ xây dựng xong sản phẩm rồi, họ sẽ thuê công ty Agency để xử lý hết các vấn đề quảng cáo, họ sẽ có thêm thời gian để chơi bời, hoặc làm các dự án khác.

Thực ra, chỉ cần có 1 sản phẩm thành công với Amazon FBA, là bạn đã không phải lo về vấn đề ăn mặc trong vài năm. Thu nhập bằng đô la, đổi ra tiền Việt cũng không phải là ít.

Không cần phải mơ đến biệt thự làm gì cả, chỉ cần 1 sản phẩm thành công là ngon ăn rồi.

Ghi chú: Trong khóa học Amazon, tôi có chia sẻ một video từ một sự kiện lớn, diễn giả phân tích ra rằng chỉ cần 3 – 5 sản phẩm, là bạn sẽ có thể thu về triệu đô. 

Lý thuyết thì đúng thế, nhưng tôi thì không cần triệu đô kia đâu. Nếu muốn triệu đô thì phải vùi đầu vào công việc, choáng lắm. Người có tuổi thì không còn nhiều tham vọng, và không sung sức như thanh niên được nữa.

Những ưu điểm khác của Amazon FBA

Không phải chăm sóc khách hàng: Amazon sẽ giúp bạn xử lý vấn đề chăm sóc khách hàng, để bạn có thể tự do hơn để tập trung vào dự án.

Không phải lo vấn đề kho bãi: Khi làm Amazon FBA, thì bạn sẽ lưu trữ hàng ở trung tâm phân phối của Amazon. Họ sẽ giúp bạn xử lý vấn đề giao hàng, bạn sẽ có thêm thời gian để làm những gì mình thích.

Dễ dàng thiết lập: Thực ra cũng không dễ, thủ tục đăng ký tài khoản để làm Amazon FBA hơi rắc rốt. Nhưng mà nó cũng dễ hơn so với dropshipping (một chút). Bạn sẽ không phải lập website, mua plugin, làm email marketing, thiết lập giao diện…

Kinh doanh quốc tế: Tôi biết một số cao thủ Amazon FBA, họ không bán tại Mỹ, mà họ bán ở Nhật Bản, họ target vào thị trường Nhật Bản.

Tức là, bạn có thể kinh doanh trên phạm vi toàn cầu, tôi thấy khu vực châu Âu là khá tiềm năng, mà lại có nhiều luật lệ phức tạp quá. Tôi thấy có Seller người Anh, họ lại không bán ở Anh, mà lại bán ở Mỹ.

Nhược điểm khi làm Amazon FBA

Chi phí đầu tư cao

Có người nói rằng là có thể làm Amazon FBA chỉ với vốn từ 10 – 20 triệu.

Lý thuyết thì đúng như vậy, cũng có người đã làm được với số vốn thấp như vậy. Nhưng đừng, vốn ít thì tỷ lệ thành công sẽ thấp, rủi ro sẽ cao.

Bạn cần phải chuẩn bị vốn khỏe, đủ để mua hàng bán (tránh trường hợp hết hàng). Và phải đủ chi phí chạy quảng cáo trong giai đoạn tung sản phẩm.

Chỉ cần bạn thành công trong giai đoạn tung sản phẩm, là sản phẩm của bạn sẽ lên top (sướng nhé). Nhưng số vốn để đẩy quảng cáo khi tung sản phẩm là không hề nhỏ đâu.

Theo tôi, muốn tạm ổn thì cần từ 50 triệu – 100 triệu để làm Amazon FBA. 100 triệu là khoảng $5000. Đầu tư lớn, newbie không phù hợp làm, tôi không khuyến khích newbie tham gia.

Nhưng nhớ là, bạn đầu tư tiền đô, thì sẽ thu về tiền đô. Hoặc sẽ mất sạch, ka ka. Mất sạch tiền và chỉ học được bài học. Kinh doanh nào mà chẳng có rủi ro.

Rủi ro bị đình chỉ tài khoản

Chắc bạn cũng có nghe điều này rồi, đó là bạn sẽ có thể bị đình chỉ tài khoản Amazon Seller nếu vi phạm chính sách.

Nhưng đừng quá lo lắng, nếu tài khoản của bạn bị đình chỉ do nhầm lẫn, thì cứ email kháng cáo, kháng cho đến khi lấy lại được tài khoản thì thôi (nhưng sẽ ảnh hưởng tới thứ hạng sản phẩm).

Còn nếu bạn vô ý vi phạm chính sách của họ, thì gửi email xin lỗi, thông thường với lỗi nhẹ thì được tha. Còn nếu cố ý vi phạm… thì chịu rồi.

Không có dữ liệu khách hàng

Amazon bảo “những khách hàng này là của tao”. Khó khăn lắm mới tạo được thương hiệu, có được khách hàng thân thiết, vậy nên Amazon sẽ không chia sẻ thông tin khách hàng cho Seller.

Bạn sẽ không có các thông tin khách hàng (như là email) vây nên sẽ khó có thể xây dựng nhóm khách hàng trung thành.

Cũng có bí quyết, đó là khớp thông tin địa chỉ khách hàng với dữ liệu của Facebook. Đó là một thủ thuật nâng cao để target đến những người mua hàng. Cái này thì… hình như tôi để ở đây.

Ưu điểm khi làm dropshipping

Khoản đầu tư ban đầu thấp

Với dropshipping, thì bạn không cần bỏ ra số tiền lớn để mua lô hàng từ Trung Quốc. 

Mà bạn cứ kết nối nguồn hàng với website, khi bán được hàng, khách hàng trả tiền vào tài khoản của bạn, rồi bạn mới trả tiền để mua hàng (để nhà cung cấp tiến hành giao hàng).

Nó không tốn chi phí vài chục triệu như Amazon FBA, mà chỉ cần vài triệu đồng, là bạn đã có thể lập website dropshipping và bắt đầu kinh doanh luôn.

Cũng không cần tốn thời gian đăng ký phức tạp như Amazon FBA nữa.

Vậy nên, làm dropshipping rất thích hợp với newbie, để anh em newbie có thể học tập và làm quen với eCommerce.

Có nhiều khả năng kiểm soát hơn

Với một website dropshipping, bạn có thể tùy ý điều chỉnh mức giá, thay đổi văn bản, thêm hình ảnh và tối ưu landing page, hầu như không có giới hạn.

Nếu bạn muốn điều chỉnh một thứ gì đó, thì cứ mua apps (Shopify) hoặc plugin (Woocommerce), và rồi thoải mái điều chỉnh.

Muốn website có đầy đủ chức năng như của Amazon ư? Được thôi, thậm chí bạn còn có thể tối ưu cho đẹp hơn so với Amazon nữa.

Lý thuyết là vậy thôi, chứ vẫn nên thuê. Có những agency chuyên tối ưu website thuê, họ tối ưu website rất đẹp, rất chuyên nghiệp, tỷ lệ chuyển đổi rất tốt.

Khi làm website dropshipping, bạn cũng có thể thoải mái chơi email marketing mà không bị hạn chế.

Nhược điểm của mô hình dropshipping

Không có lợi thế thương hiệu

Đây là nhược điểm chí mạng nhất. Bởi vì khi bán hàng trên Amazon, bạn có thể tận dụng lợi thế thương hiệu của Amazon, bán cho khách hàng trên Amazon, nên tỷ lệ chuyển đổi sẽ rất cao.

Còn khi tự làm website dropshipping, thì bạn phải tự đi tìm khách. Thông thường sẽ cần làm landing page, sau đó chạy quảng cáo.

Và tỷ lệ chuyển đổi của website dropshipping là từ 1 – 3%, thấp hơn nhiều so với Amazo (từ 10% – 15%).

Nói đi thì cũng phải nói lại, nếu bạn làm Amazon FBA mà không có những chiến thuật tung sản phẩm hợp lý, thì sản phẩm sẽ không lên top được. Sản phẩm không lên top thì không có chuyện đạt 15% đâu nhé. Phải vào top thì mới được.

Sản phẩm nhanh bão hòa, cạnh tranh cao

Các cao thủ làm dropshipping biết rằng các sản phẩm thường có xu hướng. Họ sẽ cố gắng vắt sạch lợi nhuận của sản phẩm dropshipping trong vòng 1 – 4 tuần, rồi bỏ sản phẩm.

Bởi vì nếu chậm tay, là sẽ bị những người khác “đánh hơi” thấy, những người đến sau sẽ tham gia cuộc chơi, quảng cáo sẽ bị đẩy lên mức cao, sản phẩm bão hòa, rồi là phải dừng.

Chắc các bạn cũng biết rồi, chỉ cần dùng công cụ do thám quảng cáo là sẽ nhìn thấy quảng cáo dropshipping của đối phương, và chỉ cần nửa buổi chiều là có thể làm xong một website dropshipping, và cạnh tranh với đối thủ.

Trong khi với Amazon FBA, cho dù thấy sản phẩm tiềm năng, thì cũng phải đợi cả tuần để giao tiếp với nhà cung cấp, và đợi vài tháng thì hàng mới tới Amazon, rồi mới bán được.

Một số nhược điểm khác của dropshipping

Phải tự xử lý dịch vụ chăm sóc khách hàng: Đây là công việc rất mệt, đặc biệt mệt khi bạn có nhiều đơn hàng. Nhưng mà hiện nay chúng ta đã có AI, nó sẽ giúp chúng ta viết những email chăm sóc khách hàng tuyệt vời.

Tỷ lệ lợi nhuận thấp: Dropshipping lợi nhuận thấp, thì sẽ chẳng còn bao nhiêu tiền để chạy quảng cáo nữa. Có một bí quyết là bán những sản phẩm đắt tiền, khoảng vài trăm đô. Theo tôi, cách này vẫn đang rất được, bạn có thể xem ở đây.

Phải biết thiết kế website: Thiết kế web rất quan trọng, thiết kế đẹp thì sẽ tăng độ tin cậy. Nhưng một newbie không giỏi thiết kế thì khó có thể làm web đẹp được. Shopify họ bán themes rất đắt.

Nên lựa chọn mô hình kinh doanh nào

Theo tôi, thì anh em newbie nếu ít vốn thì nên làm dropshipping một thời gian, để làm quen với mô hình eCommerce (thương mại điện tử).

Còn nếu bạn nào có sẵn vốn để đầu tư, thì hãy tiếp cận Amazon FBA ngay từ đầu.

À mà này, bạn cũng có thể làm Etsy nhé. Nó tương tự Amazon, nhưng dễ làm hơn nhiều (dễ làm thì ít tiền hơn). Nhưng mà bạn có thể vừa học kinh nghiệm, vừa kiếm tiền.

Còn nếu bạn đã quen với eCommerce, đã có kinh nghiệm, kiến thức, và kỹ năng tiếng Anh ổn định, thì cứ thử sức với Amazon FBA nhé.

Vậy nên hãy căn cứ vào điều kiện của bạn để đưa ra quyết định, mỗi người sẽ có khả năng khác nhau, phù hợp với các công việc khác nhau.

Nhưng về lâu dài, hãy ưu tiên Amazon FBA hơn. Dropshipping đang hết thời rồi.

Giải pháp thay thế mô hình dropshipping

Dropshipping hết thời, và nó đã phát triển lên một mô hình kinh doanh nâng cấp hơn. Gọi là gì nhỉ? Có thể gọi là eCommerce.

Với mô hình này, bạn sẽ lập một website, sau đó đàm phán với nhà cung cấp Trung Quốc, rồi mua hàng, vận chuyển hàng sang Mỹ.

Khi này, thay vì chúng ta vận chuyển vào kho bãi của Amazon, thì chúng ta tự thuê kho bãi riêng, và bán riêng (để tránh chi phí của Amazon).

Cái này gọi là Dropshipping với lô hàng lớn.

Với phương pháp này, bạn cũng có thể tránh những rắc rối với chính sách của Amazon. Bạn thích làm gì cũng được, bạn thậm chí còn có thể bán một số loại hàng đặc biệt (mà Amazon không cho phép).

Ví dụ với những sản phẩm đã bị người ta đăng ký bản quyền, đăng ký bằng sáng chế. Thì bạn không bán trên Amazon được, Amazon không cho phép.

Đã có trường hợp Seller gửi hàng tới Amazon, nhưng vì dính bằng sáng chế, nên Amazon không cho vào kho bãi, kết quả là cuống cả lên, phải bỏ tiền ra để xử lý.

Như vậy, bạn có thể bán những sản phẩm đó trên website riêng. Amazon không cho bán thì chúng ta bán trên website riêng thôi.

Ghi chú: những loại hàng “đặc biệt” đó phải được công ty 3PL (kho bãi) cho phép thì mới được nhé.

Có thể vừa làm dropshipping vừa làm Amazon FBA không?

Không nên ôm hết, sẽ rất khó.

Nhưng nếu bạn có khả năng, thì có thể vừa bán trên Amazon FBA, và vừa làm dropshipping với lô hàng lớn. Tức là vận chuyển lô hàng sang công ty kho bãi bên Mỹ và bán.

Một số cao thủ họ sử dụng phương pháp này. Vào thời đại dịch, Amazon không cho phép nạp hàng số lượng lớn. Vậy thì người ta thuê công ty kho bãi để bỏ hàng, rồi gửi dần qua Amazon.

Vừa là dropshipping với lô hàng lớn, vừa làm Amazon FBA. Phương pháp này rất khó, nhưng đa số thương hiệu lớn họ đều làm cách này.

Tóm lại, phương pháp này thì cứ để sau này làm lớn rồi tính.

Tổng kết

Dropshipping hay Amazon FBA, chúng đều có những ưu điểm riêng, nhược điểm riêng. Tùy vào điều kiện của mỗi người mà đưa ra lựa chọn.

Nhưng theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, thì bạn nên làm Amazon FBA ngay từ đầu. Nếu ít vốn thì làm Etsy để vừa học tập, vừa tích vốn, rồi nhảy qua Amazon FBA sau.

Và sau khi có thương hiệu tốt với Amazon FBA, thì hãy chuyển qua làm “Dropshipping với lô hàng lớn”.

Đó là lộ trình tốt nhất mà tôi có thể vạch ra cho anh em newbie (dựa trên kinh nghiệm của mình).

Chúc bạn có được lựa chọn đúng đắn và thành công trong kinh doanh nhé.

Bài viết liên quan:

Nhận xét của bạn:

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}