Đây sẽ là một bài viết dài, chia sẻ toàn tập về kinh nghiệm tối ưu khi bán hàng Etsy, giúp bạn biết cách rank sản phẩm lên trang 1 của kết quả tìm kiếm.
Bài viết sẽ tiết lộ toàn bộ những chiến thuật SEO từ cơ bản đến nâng cao, hướng dẫn chi tiết từng bước để bạn có thể tăng lượt tiếp cận, tăng traffic, điểm chất lượng, tăng nhận thức thương hiệu và tăng tỷ lệ chuyển đổi khi bán hàng trên Etsy.
Ban đầu tôi không dự định tiết lộ thông tin này, nội dung chỉ dành cho thành viên khóa học VIP.
Nhưng bởi vì có nhiều anh em làm Etsy chưa nắm được kiến thức cơ bản. Nên tôi quyết định đem những thông tin quan trọng về SEO Etsy, tạo thành một bài viết bài bản, chia sẻ cho mọi người.
Cách hoạt động của thuật toán SEO trên Etsy
Thuật toán SEO của Etsy thường liên tục thay đổi. Trong quá khứ, họ thường tập trung vào từ khóa có liên quan, và cụm từ tìm kiếm trong tiêu đề, mô tả và thẻ tag.
Tuy nhiên, hiện nay đã khác. Từ khóa không còn là yếu tố quan trọng nhất để SEO lên top trên Etsy.
Chỉ cần bạn bán hàng tốt, đem lại nhiều doanh thu cho Etsy, thì sản phẩm của bạn sẽ lên top. Còn nếu tỷ lệ mua hàng kém, thì cho dù bạn tối ưu SEO kiểu gì đi nữa, thì vẫn sẽ không lên top nổi.
Tối ưu từ khóa chỉ còn là một trong những yếu tố quyết định thứ hạng SEO. Để có thể SEO sản phẩm Etsy lên top, bạn cần kết hợp nhiều yếu tố nữa.
Có hai yếu tố chính để có thể SEO sản phẩm Etsy lên top, đó là “yếu tố liên quan tới từ khóa”, và “yếu tôi không liên quan tới từ khóa”. Và hai yếu tố này lại được phân chia ra nhiều yếu tố con.
Tiếp sau đây, tôi sẽ phân tích kỹ.
Tối ưu các yếu tố liên quan tới từ khóa
Như đã nói ở trên, mặc dù từ khóa không còn là yếu tố quan trọng nhất để SEO trên Etsy, nhưng nó vẫn tương đối quan trọng. Thông qua từ khóa, Etsy sẽ xác định được sản phẩm là gì, và đâu là nhóm khách hàng phù hợp.
Ngày trước, Etsy từng quét từ khóa trong tiêu đề và thẻ tag. Bây giờ nó còn quét từ khóa trong mô tả, thậm chí là trong thẻ ALT của hình ảnh nữa.
Vậy làm sao để tối ưu từ khóa cho sản phẩm trên Etsy?
1. Sử dụng chính xác cụm từ tìm kiếm
Nếu cân nhắc kỹ, bạn sẽ thấy Etsy là một bộ máy tìm kiếm, nó cũng giống như Google mà thôi. Có điều Etsy nó chưa đủ thông minh để hiểu ý người dùng như là Google. Vậy nên bạn sẽ cần sử dụng chính xác cụm từ tìm kiếm.
Khi tối ưu SEO trên Etsy, bạn nên ưu tiên sử dụng chính xác cụm từ tìm kiếm. Ví dụ, nếu có người tìm kiếm với cụm từ “aesthetic hoodie”, thì bạn cũng nên dùng chính xác cụm từ đó để SEO, chứ không nên đảo thứ tự thành “hoodie aesthetic”.
Sử dụng chính xác cụm từ tìm kiếm phổ biến, có thể đem lại lợi thế cho sản phẩm của bạn.
Etsy cũng quan tâm về khoảng trống giữa các chữ. Nếu trong tiêu đề bạn có dùng từ “Face Mask”, nhưng người ta lại tìm kiếm từ “Facemask”, thì sản phẩm của bạn có thể sẽ không hiện ra. Vậy nên hãy cân nhắc viết đúng theo những gì người ta đang tìm kiếm.
Ít nhất hiện tại là vậy, tương lai thì chưa biết, có thể Etsy sẽ khôn lên.
2. Bắt đầu tiêu đề với cụm từ khóa chính
Sau khi nghiên cứu từ khóa chi tiết với công cụ eRank, bạn sẽ có một file excel liệt kê các từ khóa theo mức độ tìm kiếm, mức độ cạnh tranh.
Và bạn sẽ cần chèn cái từ khóa chính, với nhiều lượt tìm kiếm nhất, chèn vào phần đầu tiên của tiêu đề. Đồng thời chèn nó vào thẻ tag luôn.
Ghi chú: Bạn có thể học toàn tập về Etsy trong khóa học nâng cao này, sẽ có hướng dẫn toàn tập về nghiên cứu từ khóa cho bạn.
3. Lặp lại từ khóa trong tiêu đề và tag
Bạn hãy lặp lại từ khóa chính ít nhất 2 lần trong tiêu đề và tag, nó sẽ giúp Etsy hiểu hơn về sản phẩm của bạn.
Ví dụ nếu bạn muốn rank từ khóa “Gold Initial Necklace”, thì nhớ dùng những từ “Heart”, “initial” và “Necklace” ít nhất 2 lần trong toàn bộ trang sản phẩm.
4. Tập trung vào từ khóa dài
Những từ khóa dài là những cụm từ tìm kiếm có từ 3 – 6 chữ, bây giờ nó còn có thể dài hơn nữa, vì người ta tìm kiếm bằng giọng nói.
Từ khóa dài thường ít cạnh tranh, và lại có tỷ lệ mua hàng cao hơn so với các từ khóa ngắn. Người ta thường dùng từ khóa dài để mô tả chi tiết về sản phẩm, màu sắc, kích thước, hình dáng.
5. Chèn từ khóa vào thẻ ALT của hình ảnh
Thẻ ALT dùng để mô tả hình ảnh. Theo mặc định, Etsy sẽ dùng tiêu đề sản phẩm để đặt làm ALT của hình ảnh, nhưng bạn cũng có thể tùy chỉnh thẻ ALT, để đạt mục tiêu SEO.
Cái ALT này không chỉ dùng để SEO trên Etsy. Mà khi người ta tìm kiếm sản phẩm thông qua Google Images, thì cái thẻ ALT đó cũng đóng vai trò quan trọng.
Tối ưu các yếu tố không liên quan tới từ khóa
Trong vài năm trở lại đây, Etsy đã nâng cấp bộ máy tìm kiếm rất nhiều. Mục tiêu của họ đương nhiên là… kiếm nhiều tiền hơn.
Họ sẽ nhắm làm sao để rank những sản phẩm có tỷ lệ chuyển đổi cao nhất lên đầu.
Sản phẩm dễ bán được đẩy lên top, sẽ giúp người dùng đỡ phải tìm kiếm sản phẩm, ngay lập tức họ sẽ nhìn thấy sản phẩm tốt nhất, và họ sẽ mua. Etsy sẽ được nhiều tiền hơn.
Vậy làm sao để tối ưu yếu tố không liên quan tới từ khóa?
1. Tập trung vào giai đoạn mới mở Shop
Tiết lộ với bạn nhé, Etsy họ thường “thúc đẩy” những Shop mới. Nếu bạn mới mở Shop, Etsy sẽ đẩy kha khá traffic vào Shop mới của bạn.
Mục tiêu của họ là: Để dò xét xem Shop mới đó như thế nào, nếu Shop mới mở nhưng có sản phẩm tốt, thì bạn hoàn toàn có thể cạnh tranh cả với những đối thủ lão làng. Đó là ưu điểm rất hay khi kinh doanh trên Etsy (nhưng cũng là một nhược điểm).
Chính vì thế, Etsy yêu cầu người ta phải đăng sản phẩm ngay trong khâu tạo tài khoản.
Nhược điểm của nó là gì? Etsy bắt đăng sản phẩm ngay trong khi tạo tài khoản, là để xem bạn như thế nào. Nếu sản phẩm của bạn không tốt, chưa được tối ưu kỹ, họ sẽ đánh giá bạn là “kinh doanh không chuyên nghiệp”, và có thể sẽ khóa tài khoản.
Tôi có viết một số bài về vấn đề khóa từ khóa Etsy, bạn có thể đọc tại đây.
2. Tìm cách chiếm được thẻ “Best Seller”
Best Seller tức là sản phẩm bán chạy nhất. Nó giúp tăng mạnh tỷ lệ chuyển đổi, nên khá là quan trọng. 60% sản phẩm ở trang đầu của kết quả tìm kiếm, là có cái thẻ này.
Trở thành Best Seller không có nghĩa là sản phẩm đó phải là bán chạy nhất trên Etsy. Mà có nghĩa nó là một trong những sản phẩm bán chạy nhất trong Shop của bạn.
Vậy nên cũng không quá khó để chiếm thẻ Best Seller đâu. Và nó cũng không phải thẻ cố định, nó cũng có thể bị thay đổi.
3. Tăng lượt thích trên trang sản phẩm
Cái này không phải là một yếu tố quan trọng, nhưng nó cũng có chút tác dụng. Nhiều Seller thường “trao đổi lượt thích”.
Thực ra, chỉ cần sản phẩm của bạn được tối ưu tốt, thì lượt thích sẽ rất nhiều. Sản phẩm mà không có lượt thích thì sẽ khó để rank trên kết quả tìm kiếm.
4. Tìm cách chiếm thẻ “Etsy Picks”
Cái này cũng tương tự như thẻ Best Seller, khoảng 10% – 60% sản phẩm trên trang 1 của kết quả tìm kiếm là có thẻ này.
Chỉ cần tối ưu tạo sản phẩm độc đáo, ảnh chất lượng cao, giá tốt… thì bạn sẽ có cơ hội nhận được thẻ “Etsy Pick”.
Tối ưu trang sản phẩm là một điều quan trọng, bởi vì nó cũng giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi.
5. Tối ưu tăng tỷ lệ chuyển đổi
Tỷ lệ chuyển đổi đóng vai trò rất quan trọng, bởi vì nó cho Etsy thấy mức độ thành công và khả năng có Sales của sản phẩm.
Thông thường, tỷ lệ chuyển đổi trên Etsy là 1%, tức là 100 người truy cập trang sản phẩm, thì có 1 người mua hàng.
Nhưng các Shop thành công thường có tỷ lệ chuyển đổi từ 3% – 7%. Tỷ lệ chuyển đổi tốt là kết quả tổng hợp của tất cả nỗ lực khi tối ưu sản phẩm trên Etsy.
6. Ý kiến đánh giá tốt – Testimonials
Được nhiều ý kiến đánh giá tốt thì dễ tăng thứ hạng, ý kiến đánh giá thấp thì sẽ ảnh hưởng tới thứ hạng SEO.
Bạn sẽ hiếm khi thấy sản phẩm ít hơn 4 sao mà được rank vào trang 1 của kết quả tìm kiếm.
Để được ý kiến đánh giá tốt, thì đầu tiên cần có sản phẩm tốt. Hãy tạo sản phẩm tốt nhất có thể, chăm sóc khách hàng cũng tốt.
Nhiều khi có người đánh giá xấu, đánh giá tiêu cực. Nhưng nếu bạn có thể liên hệ và giúp người ta xử lý vấn đề, thì họ có thể xóa đánh giá đó đi hoặc thay bằng đánh giá 5 sao.
Dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng đóng vai trò quan trọng. Bạn có thể dùng AI để viết tiếng Anh khi chăm sóc khách hàng.
7. Giảm giá sản phẩm theo ngày (Chạy Sales)
Giảm giá sản phẩm (còn gọi là chạy Sales), tức là giảm giá tạm thời sản phẩm, tạo sự thu hút, tạo sự khan hiếm và khẩn cấp, tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Một số khách hàng, họ bấm “thích” sản phẩm. Mục tiêu là họ lưu sản phẩm đó lại, và đợi khi có giảm giá thì mua.
Nhiều Seller nắm được tâm lý này, nên họ thường chạy Sales, giảm giá trong vòng 24 giờ. Cứ hết 24 giờ thì lại chạy Sales lần nữa (thiết lập tự động).
Nó sẽ tạo sự khẩn cấp và thúc đẩy tỷ lệ mua hàng. Nhưng mà nếu trên Etsy, ai cũng chạy Sales như vậy, thì dần dần nó sẽ “nhạt”.
Cấu trúc từ khóa thường gặp khi bán hàng Etsy
Để dễ dàng tìm được các cụm từ tìm kiếm trên Etsy, bạn cần hiểu về cấu trúc của nó, về cách mà người ta dùng để tìm kiếm sản phẩm. Người ta thường tìm sản phẩm theo tính từ, như:
- Chất liệu
- Kích thước
- Phong cách, thiết kế
- Màu sắc, giao diện
- Giới tính
- Địa điểm
- Sản phẩm dành cho ai (tặng mẹ, tặng bạn gái)
- Sản phẩm dành cho dịp nào (sinh nhật, giáng sinh, lễ tình nhân)
Ví dụ họ có thể tìm sản phẩm theo chất liệu, như là:
- Metal wall art (tranh treo tường kim loại – sản phẩm POD)
- 14K Gold necklace (vòng cổ bằng vàng 14k – sản phẩm handmade)
- Leather dog collar (vòng cổ chó bằng da)
Ví dụ họ có thể tìm sản phẩm theo kích thước, như là:
- Large wall art (tranh treo tường lớn)
- 24×36 wall art (tranh treo tường cỡ 24×36 inch)
- 2 Inch dog collar (còn cổ chó 2 Inch)
Ví dụ họ có thể tìm sản phẩm theo màu sắc, như là:
- Blue art print (tranh treo tường màu xanh)
- Coral pink dog collar (vòng cổ chó màu hồng)
- Muted Green decor (sản phẩm trang trí nhà màu xanh nhạt)
Ví dụ họ có thể tìm sản phẩm theo địa điểm, như là:
- Living room wallpaper (giấy dán tường phòng khách)
- Game room decor (trang trí phòng game)
- Nursery wall decor (trang trí tường nhà trẻ)
- Office planters (chậu cây cho văn phòng)
Dựa vào các gợi ý đó, bạn sẽ cần điền ý tưởng vào công cụ nghiên cứu từ khóa, và nó sẽ đề xuất cho bạn những từ khóa liên quan. Rồi bạn có thể dùng thông tin đó để tạo bộ từ khóa cho ngách sản phẩm.
Tối ưu tiêu đề cửa hàng Etsy
Tiêu đề Shop cũng đóng một vai trò trong SEO trên Etsy. Tiêu đề Shop chứ không phải tên Shop, nó là một đoạn văn bản nhỏ, nằm ngay bên dưới tên của cửa hàng Etsy.
Phần này, bạn có thể chèn 55 ký tự. Đây là một cơ hội rất tuyệt để mô tả sản phẩm mà bạn bán. Chèn từ khóa chính vào đây cũng giúp ích cho SEO.
À, nhưng phải chèn từ khóa một cách khéo léo nhé.
Thường xuyên cập nhật phần thông báo Shop (Announcement)
Theo kinh nghiệm bản thân, mỗi khi cập nhật phần thông báo, thì lượng Sales lại có xu hướng nhích lên. Hầu như lần nào cũng vậy (trừ giai đoạn mới lập Shop).
Etsy rất thích Content mới. Mỗi khi bạn cập nhật cửa hàng, Etsy sẽ quét lại thông tin và quyết định thứ hạng.
Hãy nhớ rằng, phần “thông báo” cũng có thể được tìm kiếm, và đóng một vai trò trong SEO. Bạn nên cập nhật thường xuyên, mỗi tuần một lần.
Bởi vì khách hàng họ không thể trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy bạn. Vậy nên hãy tạo một chút cá nhân hóa cho cửa hàng. Quan trọng là cho họ biết cửa hàng đang hoạt động, cửa hàng sẵn sàng trả lời câu hỏi và giải quyết vấn đề cho họ.
Vậy làm sao để viết phần Announcement này? Hãy chỉ đạo cho AI để nó viết nhé. ChatGPT là AI khá giỏi về sáng tạo, cho nó viết thì khá hợp đấy.
Cách viết phần Announcement cho cửa hàng Etsy
Mặc dù AI có thể viết cho bạn, nhưng vẫn cần chỉ đạo đúng (không là nó sẽ viết lung tung). Bạn có thể chỉ đạo bằng tiếng Việt, để AI giúp bạn viết tiếng Anh.
Nhiều bạn thường không chú ý phần Aoouncement này, nhưng nó cũng khá quan trọng, nó đóng vai trò tạo sự kết nối giữa người bán và người mua, giúp tăng chuyển đổi.
Từ số liệu của Etsy cho thấy, Etsy có lượng khách hàng trung thành, họ dành khá nhiều thời gian trên Etsy, tỷ lệ mua hàng lặp lại cao. Và tất nhiên khách hàng họ sẽ xem kỹ trang cửa hàng của bạn rồi.
Đặt quyền lợi của khách hàng lên trước
Khi viết Announcement, hãy đặt quyền lợi của khách hàng lên trước. Hãy viết những gì khách hàng muốn, chứ không phải thể hiện bản thân.
Hãy đưa ra những yếu tố giúp tăng chuyển đổi, gây ảnh hưởng tới quyết định mua hàng. Nhớ kết hợp chèn một số từ khóa dài vào phần Announcement nhé.
Người ta quan tâm nhiều đến giải pháp, chứ không phải là câu truyện của bạn, hoặc là cách bạn khởi nghiệp kinh doanh.
Con người ích kỷ như vậy, họ đọc phần “thông báo” của bạn, nhưng đầu tiên họ sẽ nghĩ “tôi được gì, Shop này bán gì, sản phẩm này có lợi gì cho tôi”.
Cái này thì phải chấp nhận thôi. Cũng giống như khi bạn đọc bài viết này, bạn sẽ nghĩ “cái này được gì cho tôi”. Chứ bạn cũng có quan tâm người viết đã dành ra bao nhiêu thời gian và công sức để viết đâu. Ích kỷ là một trong những đặc tính của con người, chúng ta cần chấp nhận. Không phải phê phán, mà là chấp nhận.
Vậy nên, trong phần Announcement cần giới thiệu nhanh về sản phẩm, nó có thể giúp ích gì cho khách hàng, nhanh chóng đưa ra USP (điểm bán hàng độc nhất), thể hiện sự vượt trội hơn so với đối thủ.
Làm sao để tạo sự kết nối, giữ chân khách hàng, để họ không chuyển qua mua sản phẩm của đối thủ.
Và cuối của phần Announcement, bạn sẽ cần thêm nút CTA, kêu gọi hành động, hoặc tặng một coupon giảm giá, hoặc kêu gọi đăng ký danh sách email.
Tối ưu phần About (giới thiệu cửa hàng Etsy)
Phần About là dùng để giới thiệu Shop, nó cũng đóng vai trò trong SEO trên Etsy. Vậy nên bạn cũng cần chèn từ khóa.
Ngoài Etsy, thì Google cũng sẽ quét dữ liệu phần này. Cửa hàng của bạn cũng có thể được tìm thấy trên Google nữa.
Mặc dù phần About là để giới thiệu Shop, nhưng nội dung nên viết tập trung vào khách hàng là chính.
Tại sao người ta lại đọc phần About
Số liệu cho thấy, khách hàng trên Etsy thuộc loại “trung thành”, với tỷ lệ mua hàng lặp lại rất cao. Vậy nên họ sẽ đọc phần About, để xem bạn bán gì, để quyết định xem có nên tin tưởng Shop hay không.
Khách hàng thường dành rất nhiều thời gian trên Etsy (khoảng 13 phút), để rà soát các Shop khác nhau.
Phần about không phải là nơi để chia sẻ về bản thân (mặc dù nó là phần about). Bạn nên tận dụng nó để hướng tới khách hàng mục tiêu, viết để tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Hãy nghĩ xem khách hàng muốn đọc gì, làm sao để chia sẻ thông tin, tạo sự hứng thú, để họ tăng sự gắn kết với Shop, tăng tỷ lệ mua hàng?
Cách viết phần about cho cửa hàng Etsy
Bạn cũng có thể dùng AI để viết nhé, chỉ đạo cho ChatGPT để nó viết cho. Khả năng cao là nó viết tốt hơn bạn nhiều lắm.
Trong phần about, bạn cần có thể giải quyết những câu hỏi sau:
- Tại sao người ta lại nên mua hàng từ bạn?
- Khách hàng mục tiêu thích điều gì nhất của sản phẩm?
- Khách hàng mục tiêu muốn giải quyết vấn đề gì?
- Sản phẩm của bạn có thể giúp họ như thế nào?
- Họ sợ những vấn đề gì? Trả lời nhanh cho họ.
Cần nhanh chóng tạo sự tin cậy, bằng cách chia sẻ kinh nghiệm với các sản phẩm mà bạn đang bán, kết hợp kể chuyện một chút, tăng sự hứng thú.
Cuối cùng thì công việc của bạn là giải quyết vấn đề cho khách hàng, hãy cho họ thấy bạn có thể làm được gì, bạn có thể đem lại giá trị gì.
Và nhớ chèn từ khóa vào phần about nhé.
Thường xuyên đăng cập nhật lên Etsy
Nếu khách hàng từng thích sản phẩm của bạn, hoặc nếu họ từng mua sản phẩm của bạn, thì họ sẽ thấy những cập nhật của bạn, đây là dạng những bài đăng cập nhật (giống kiểu mạng xã hội).
Bạn có thể vào mục Marketing > Social Media > Shop Updates để đăng cập nhật nhé. Khách hàng thường sẽ nhìn thấy nhiều khi họ dùng Etsy App.
Bạn có thể đăng những cập nhật về sản phẩm, cập nhật về Shop, một số cảnh hậu trường, một số thông báo, một số nội dung bài viết thông tin.
Hoàn thiện phần điều khoản chính sách (Shop Policies)
Nhiều khách hàng sẽ xem chính sách cửa hàng trước khi tiến hành mua sản phẩm. Họ đặc biệt quan tâm tới những vấn đề như đổi trả, bảo hành, thất lạc đơn hàng.
Để tránh những hiểu lầm không đáng có, bạn cần viết rõ ràng những chính sách về giao hàng, thanh toán, đổi trả, và bảo mật thông tin. Etsy cũng xem xét chính sách của bạn để xử lý vấn đề tranh chấp (nếu có).
Khi bạn kiếm tiền trên Etsy, thì có khá nhiều thứ phải làm. Và hãy cố gắng làm tất cả, hoàn thiện cả những chi tiết nhỏ. Hãy cố gắng điền đầy đủ thông tin trong phần policy (chính sách) này.
Tối ưu phần FAQ đầy đủ
FAQ (câu hỏi thường gặp), nó sẽ giúp tăng sự tin tưởng, giải đáp các vấn đề thắc mắc thường gặp, và giúp bạn giảm nhẹ thời gian tư vấn.
Khi khách hàng liên hệ với bạn và đưa ra câu hỏi, thì hãy ghi chú nó lại. Nếu bạn thấy người ta thường hỏi lặp lại những câu hỏi gì, thì hãy đưa nó vào phần FAQ.
Bạn cũng có thể tham khảo phần FAQ từ đối thủ, xem họ viết như thế nào, và hãy áp dụng vào Shop của mình.
Lưu ý là đừng copy y chang. Nếu bạn không giỏi viết tiếng Anh, hãy để AI giúp bạn viết lại, chỉnh lý lại và tạo phiên bản riêng của bạn. Cố gắng chèn từ khóa vào nếu có thể.
Nhiều khách hàng họ lười không muốn nhắn tin cho Shop, mà họ chỉ đọc phần FAQ thôi. Nếu phần FAQ không cung cấp câu trả lời mà họ cần, thì họ có thể sẽ tìm Shop khác.
Chèn từ khóa vào phần Sections
Phần Section trên Etsy có chức năng để phân chia danh mục. Và nó giúp khách hàng nhanh chóng tìm ra danh mục sản phẩm mà họ muốn mua.
Tên Section có thể chưa 24 ký tự. Tất nhiên bạn nên chèn từ khóa vào phần section. Nó cũng đóng vai trò trong SEO, đồng thời tăng trải nghiệm tổng thể của Shop.
Bán chéo (Cross-Sell), bán thêm (Upsell)
Bạn có thể tạo coupon hoặc chạy Sales (tùy vào loại Shop và thị trường ngách). Bạn có thể khuyến khích khách hàng mua hơn 2 sản phẩm, bằng cách đưa ra coupon giảm giá tự động như:
- Mua trên 2 sản phẩm giảm 15%
- Mua trên 3 sản phẩm giảm 20%
Bạn có thể gom nhiều sản phẩm vào, tạo thành một bộ sản phẩm (bundle), giúp tăng giá trị sản phẩm, tăng AOV (giá trị đặt hàng trung bình).
Chèn liên kết nội bộ (Internal Links)
Có một cách để tăng AOV đó là chèn liên kết nội bộ vào phần mô tả sản phẩm.
Khi một khách hàng bấm xem sản phẩm, nhưng có thể họ chưa hài lòng, chưa đúng với sản phẩm mà họ tìm kiếm. Vậy thì bạn có thể chèn link để đề xuất những sản phẩm khác.
Bạn nên chèn nhiều đường link, giới thiệu những sản phẩm có liên quan. Mục tiêu để giữ chân khách hàng, khuyến khích họ mua nhiều hơn 2 sản phẩm.
Như vậy, bạn sẽ tiết kiệm được chi phí giao hàng, mà khách hàng cũng hài lòng với trải nghiệm.
Ngoài ra, nó cũng có tác dụng trong SEO. Không chỉ SEO Etsy, mà còn SEO Google. Nhiều khách hàng cũng là từ Google mà tìm tới Etsy. Sản phẩm trên Etsy có khả năng được đề xuất rất tốt.
Tầm quan trọng của Reviews (ý kiến đánh giá)
Bạn có biết, có tới 97% khách hàng sẽ đọc Reviews, trước khi đưa ra quyết định mua sắm online. Người ta không thể trực tiếp cầm nắm, hoặc nhìn thấy sản phẩm, nên họ chỉ có thể dựa vào Reviews.
Nếu bạn muốn kinh doanh tốt, thì bạn cần làm khách hàng hài lòng. Khi họ hài lòng, họ sẽ đánh giá tích cực, và những đánh giá đó sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của những người khác.
Ngoài ra, Reviews nó cũng sẽ ảnh hưởng tới thứ hạng sản phẩm. Etsy sẽ thấy rằng đây là Shop chất lượng, và nó sẽ đề xuất. Số lượng Reviews cũng sẽ hiển thị ở trang sản phẩm, giúp tăng mạnh mức độ uy tín của cửa hàng.
Cách tăng Reviews trên Etsy
Có một cách rất hay để tăng Reviews, đó là thêm CTA (kêu gọi hành động) vào tin nhắn sau khi mua hàng.
Sau khi đặt hàng, khách hàng sẽ tự động thấy cái tin nhắn ấy. Bạn có thể kêu gọi khách hàng để lại ý kiến đánh giá, hãy viết khéo một chút.
Với sản phẩm số, bạn có thể tạo một trang cảm ơn. Viết một số lời cảm ơn khách hàng, và yêu cầu để lại Reviews.
Với sản phẩm vật lý, bạn có thể chèn một tấm thiệp vào gói hàng, viết lời cảm ơn và xin ý kiến đánh giá. Điều này thì trên Amazon họ rất gắt, nhưng trên Etsy thì cứ thoải mái.
Gửi tin nhắn xin Reviews đối với sản phẩm vật lý
Bạn cũng có thể gửi tin nhắn cho khách hàng sau 2 – 3 ngày, kể từ lúc họ nhận được sản phẩm. Đây là khoảng thời gian mà họ vẫn đang trong giai đoạn “hào hứng”.
Bạn có thể viết như sau:
“Chào_____! (tên khách hàng).
Tôi mong rằng đơn hàng đã tới tay của bạn. Nếu bạn có câu hỏi và cần trợ giúp, thì đừng ngần ngại, hãy liên hệ với tôi (chúng tôi).
Chúng tôi rất muốn nghe từ bạn. Sẽ có ý nghĩa hơn nhiều nếu bạn để lại ý kiến tại http://www.etsy.com/your/purchases, nó giúp công việc kinh doanh nhỏ của tôi có thể phát triển.
Và tôi muốn tặng bạn mã giảm giá 10% cho đơn hàng tiếp theo. Bạn cũng có thể giới thiệu cho bạn bè và gia đình bằng mã giảm giá này: _____
Cảm ơn bạn đã dành thời gian và tin tưởng chúng tôi.
Ký tên.
Trên đây là gợi ý để bạn viết lời cảm ơn và xin Reviews. Bạn hãy chỉ đạo để ChatGPT có thể giúp bạn viết phiên bản tiếng Anh nhé. Ví dụ bạn có thể bảo nó như sau:
Giúp tôi viết lời cảm ơn khách hàng, vì họ đã mua sản phẩm tranh treo tường của tôi trên Etsy. Tôi rất biết ơn họ vì đã giúp công việc kinh doanh nhỏ của tôi phát triển. Và tôi muốn họ để lại ý kiến đánh giá, giúp tôi phát triển công việc kinh doanh nhỏ của mình. Tôi muốn yêu cầu họ truy cập đường link này “http://www.etsy.com/your/purchases” và để lại ý kiến đánh giá. Cuối cùng, tôi muốn tặng họ mã giảm giá 10% cho đơn hàng tiếp theo, mã giảm giá là “VIP10OFF” để họ có thể mua hàng tiếp, hoặc tặng mã giảm giá cho bạn bè, gia đình. Hãy giúp tôi viết bằng tiếng Anh nhé.
Và rất nhanh chóng, ChatGPT cho ra kết quả như sau:
ChatGPT viết quá hay, nhưng hơi dài và hơi “sến”. Vậy nên bạn cần cân nhắc cắt bớt cho ngắn lại, nhớ chỉnh lý nội dung.
Gửi tin nhắn xin Reviews đối với sản phẩm số
Bạn cũng có thể gửi tin nhắn xin Reviews sau khi khách hàng đã mua sản phẩm số từ bạn. Với tin nhắn này, bạn cần kèm theo link hướng dẫn tải, hướng dẫn truy cập file download, cách sử dụng, và cuối cùng là xin Reviews.
Về cách truy cập file tải về, thì trên Etsy cũng có đường link hướng dẫn. Bạn nên gửi link của Etsy cho khách hàng (đừng gửi link web khác) nhé.
Tương tự như trên, bạn cũng có thể dùng AI để viết. Chú ý viết ngắn gọn, nửa trang giấy là ổn. Tối đa 1 trang giấy. Nhớ chỉnh lý nội dung từ AI.
Đối với sản phẩm số, cần đi thẳng vào trọng tâm (hướng dẫn sử dụng), phần cảm ơn sẽ để ở cuối.
Tổng kết
Tối ưu từ khóa không còn là khía cạnh duy nhất trong SEO trên Etsy, mà bạn sẽ cần tối ưu tổng thể toàn bộ Shop.
Tỷ lệ chuyển đổi sẽ đóng vai trò quyết định trong SEO. Không chỉ cần tối ưu từ khóa, mà còn cần làm mọi cách để tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Ngoài những yếu tố trên, còn một số cái như thương hiệu, hình ảnh, Mockup, và quan trọng nhất là, đảm bảo sản phẩm của bạn phải xuất sắc.
Nếu bạn muốn học kiến thức bài bản và nâng cao về Etsy, hãy tham khảo khóa học nâng cao của tôi.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc hết 15 trang của bài viết này. Chúc bạn thành công khi kinh doanh Etsy nhé.