• Trang chủ
  • |
  • Blog
  • |
  • Affiliate
  • |
  • Tại sao affiliate marketing lại khó đến thế? Top 5 lý do khiến người mới thường bỏ cuộc giữa chừng

Tại sao affiliate marketing lại khó đến thế? Top 5 lý do khiến người mới thường bỏ cuộc giữa chừng

Biên tập: Thiên Phong MMO | Cập nhật: 19/05/2025
Danh mụcAffiliate

Affiliate marketing là một trong những phương pháp kiếm tiền online được nhiều người quan tâm nhất hiện nay. 

Khi làm affiliate, bạn không cần bạn tạo sản phẩm, không cần xử lý đơn hàng, thậm chí không cần vốn lớn để bắt đầu. Chỉ cần một đường link và một chiến dịch quảng bá hiệu quả – lý thuyết là như vậy.

Nhưng thực tế thì sao?

Nhiều người thử làm affiliate vài tháng rồi bỏ cuộc. Người thì bảo “cạnh tranh quá cao“, người khác than “chạy quảng cáo lỗ vốn“, có người thì bảo “đã học hết mấy khóa học $999 mà vẫn chưa kiếm được đồng nào”.

Vậy rốt cuộc, tại sao affiliate marketing lại khó đến thế?

Bài viết này sẽ không tô hồng, cũng không dọa nạt. Tôi chỉ muốn cùng bạn nhìn thẳng vào bản chất vấn đề – để hiểu rõ hơn về affiliate marketing, và quan trọng hơn: để bạn biết liệu con đường này có đáng để đi tiếp hay không.

Tất cả các ngành kinh doanh đều khó

Sự thật là: Tất cả các ngành nghề đều khó – Affiliate cũng không ngoại lệ.

Bạn muốn làm bác sĩ? Phải học 6 năm.

Bạn muốn làm kế toán? Học đại học ít nhất 4 năm, rồi thêm vài năm thực tập, đi làm lương thấp, học thêm nghiệp vụ mới có thể “sống được với nghề”.

Nhưng khi làm affiliate marketing, nhiều người lại kỳ vọng sẽ có tiền chỉ sau vài tuần. Họ xem một vài video hướng dẫn, đăng ký Affiliate Network, tạo một chiến dịch quảng cáo.

Và sau khi tiêu mất $200 cho quảng cáo, mà không thấy tiền về, họ kết luận: Affiliate khó quá, chắc không hợp với mình.

Nhưng thực ra, điều đó hoàn toàn bình thường.

Vì affiliate marketing – dù là làm online – nó vẫn là một mô hình kinh doanh, và bất kỳ mô hình kinh doanh nào cũng có độ khó riêng của nó.

Khác biệt lớn nhất chỉ là:

  • Bạn phải vừa làm, vừa học, không có ai hướng dẫn sát bên cạnh.
  • Không có bằng cấp hay chứng chỉ gì để bảo chứng.
  • Không ai kiểm tra bạn mỗi ngày, nhưng cũng không ai chịu trách nhiệm khi bạn thất bại.

Affiliate không khó hơn các ngành khác. Nó chỉ khác về cách tiếp cận và khác về kỳ vọng. 

Nếu bạn sẵn sàng học một cách nghiêm túc, kiên trì như khi học đại học, thì affiliate marketing hoàn toàn có thể trở thành con đường đáng để đi.

độ khó của affiliate marketing

Độ khó của affiliate marketing so với các mô hình kinh doanh online khác?

Rất nhiều người nói rằng affiliate marketing “khó”. Nhưng khó so với điều gì?

Nếu so với việc trúng vé số hay kiếm tiền chỉ bằng cách lướt Facebook vài tiếng mỗi ngày thì đúng, affiliate khó thật. 

Nhưng nếu so sánh một cách công bằng, với các mô hình kinh doanh online phổ biến hiện nay, thì affiliate lại là một trong những con đường dễ tiếp cận nhất.

Affiliate marketing vs. Dropshipping

Dropshipping là mô hình bán hàng không cần nhập hàng: khi có người mua, bạn gửi đơn cho nhà cung cấp (thường là Trung Quốc), họ sẽ ship trực tiếp đến khách hàng.

Nghe thì đơn giản, nhưng thực tế:

  • Bạn vẫn phải làm chăm sóc khách hàng: xử lý khiếu nại, đòi hoàn tiền, hỗ trợ đơn hàng chậm, hàng lỗi…
  • Thời gian giao hàng dài, dễ gây bức xúc với khách.
  • Cần xây dựng website, phễu bán hàng, tối ưu chuyển đổi, chạy quảng cáo giống như bán sản phẩm thật.
  • Rủi ro cao khi sản phẩm bị “trend” ngắn hạn, dễ hết vòng đời hoặc bị Facebook cấm quảng bá.
  • Làm dropshipping thì dễ bị hold tiền trong PayPal hoặc Stripe, với lại cần phải mở công ty LLC thì mới đăng ký Stripe được.

Affiliate marketing không vướng những rắc rối đó. Bạn giới thiệu sản phẩm có sẵn trên thị trường, bạn không chịu trách nhiệm vận hành — nếu khách không mua, bạn cũng không bị ràng buộc. 

Lợi nhuận có thể thấp hơn mỗi đơn, nhưng rủi ro của bạn sẽ rất thấp.

tại sao affiliate marketing lại khó

Affiliate marketing Vs. Amazon FBA

Amazon FBA là mô hình mà bạn nhập hàng số lượng lớn từ nhà cung cấp, gửi kho Amazon, rồi để Amazon xử lý đơn hàng, vận chuyển và chăm sóc khách hàng.

Nghe có vẻ “nhẹ đầu”, nhưng thực tế thì:

  • Cần vốn lớn để nhập hàng ngay từ đầu: ít nhất phải bỏ ra vài ngàn USD mới bắt đầu được.
  • Rủi ro tồn kho nếu sản phẩm bán không chạy.
  • Cạnh tranh gay gắt, bị chơi xấu, bị đánh giá giả là chuyện thường.
  • Phụ thuộc hoàn toàn vào Amazon: chỉ cần Amazon khóa tài khoản hoặc thay đổi chính sách, bạn có thể mất trắng.

Affiliate thì ngược lại: bạn không cần nhập hàng, không xử lý đơn, không lo khiếu nại. Bạn chỉ việc tập trung làm nội dung hoặc chạy chiến dịch để bán — phần còn lại do người khác lo.

Affiliate marketing Vs. FreeLancer

Một hướng kiếm tiền phổ biến khác là bán dịch vụ: viết content, thiết kế, lập trình, dịch thuật, chạy quảng cáo thuê, SEO…

Tức là bạn dùng chính kỹ năng cá nhân để đổi lấy thu nhập.

Ưu điểm:

  • Bắt đầu nhanh nếu đã có sẵn kỹ năng.
  • Có thể kiếm tiền đều đặn theo giờ hoặc theo dự án.
  • Có nhiều nền tảng hỗ trợ như Fiverr, Upwork, Freelancer.

Nhưng mô hình này cũng có nhiều hạn chế:

  • Thu nhập tỷ lệ thuận với thời gian làm việc – nếu bạn ngừng làm, bạn ngừng kiếm tiền.
  • Khó mở rộng quy mô, vì bạn bán chính thời gian của mình.
  • Luôn bị áp lực deadline, khách hàng khó tính, chỉnh sửa nhiều lần.
  • Nếu bạn làm việc một mình, bạn có thể nhanh chóng bị kiệt sức.
  • Nhiều người mất việc do bị cạnh tranh bởi… AI.

Affiliate marketing thì khác.

Bạn không bán kỹ năng – bạn xây dựng hệ thống.

Khi một bài viết hoặc video tạo ra chuyển đổi, nó có thể tiếp tục tạo thu nhập thụ động trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau.

Bạn không phải “bán thân” cho từng đơn hàng.

Bạn có thể tự do hơn — vì tiền đến từ hệ thống, chứ không đến từ giờ làm việc của bạn.

image 2

Affiliate marketing vs. So với làm YouTube, viết blog 

Làm YouTube hoặc viết blog là một hình thức làm nội dung để kiếm tiền từ hiển thị (AdSense) hoặc kiếm tiền từ tài trợ, donation, v.v.

Ưu điểm:

  • Xây dựng thương hiệu cá nhân lâu dài.
  • Nếu kênh lớn mạnh, có thể có nhiều nguồn thu khác nhau.
  • Mang lại ảnh hưởng, tiếng nói trong cộng đồng.

Nhưng thực tế thì:

  • Phải xây dựng rất lâu mới có lượt xem/lượt đọc ổn định.
  • Cạnh tranh cao, đặc biệt ở các ngách phổ biến.
  • Thu nhập phụ thuộc vào thuật toán — YouTube hoặc Google thay đổi thuật toán, bạn có thể mất 50% thu nhập chỉ sau một đêm.
    Rất nhiều kênh/blog sống nhờ may mắn — được viral một video, lên top một bài viết.

Trong khi đó, affiliate marketing tập trung vào hành vi mua hàng, không phụ thuộc vào thuật toán hiển thị.

Bạn có thể làm những chiến dịch ngắn hạn, tập trung vào từ khóa chuyển đổi, không cần chờ kênh “lớn” mới có thu nhập.

Đặc biệt, bạn có thể kết hợp blog hoặc YouTube với affiliate để tăng gấp đôi hiệu quả – thay vì chỉ phụ thuộc vào tiền quảng cáo.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là affiliate dễ đến mức ai làm cũng thành công. Nhưng nếu bạn nhìn nhận công bằng, thì đây là mô hình ít rủi ro, ít vốn, không vướng nhiều trách nhiệm vận hành, và bạn hoàn toàn có thể làm một mình.

Nói cách khác: Affiliate marketing không dễ – nhưng nó là lựa chọn dễ nhất trong những con đường khó.

Vì sao nhiều người thất bại trong affiliate marketing?

Không phải ai làm affiliate cũng thành công. Thậm chí, nếu bạn tìm hiểu sâu một chút, bạn sẽ thấy: phần lớn đều bỏ cuộc giữa chừng. 

Nhưng lý do thất bại thường không nằm ở mô hình, mà nằm ở con người – cụ thể là ba điều sau:

1. Tâm lý kiếm tiền nhanh – Muốn việc nhẹ, thu nhập cao

Một trong những sai lầm phổ biến nhất của người mới bước vào affiliate marketing là mang theo tâm lý: “Tôi chỉ cần học vài chiêu, làm vài bước đơn giản, và rồi tiền sẽ tự chảy về.”

Trên Internet có rất nhiều video kiểu như: một người trẻ tuổi kiếm $10k/tháng từ laptop, ngồi làm việc ở bãi biển, vừa nhâm nhi cà phê vừa xem đơn hàng nhảy lên từng phút.

Nó làm nhiều người tưởng rằng affiliate là mô hình “làm ít, hưởng nhiều”, là con đường tắt dẫn đến tự do tài chính mà không cần phải vất vả như đi làm công sở.

Nhưng khi họ bắt tay vào làm, thì mới thấy khó.

Sau vài tuần chạy quảng cáo mà không có đơn, viết vài bài blog mà không ai đọc, họ bắt đầu thấy nản.

Nhiều người nghĩ: “Sao mình làm đúng như hướng dẫn mà vẫn không ra kết quả?”

Nhưng họ không nhận ra rằng: affiliate là một cuộc chơi dài hơi, cần rất nhiều lần thử sai, phân tích lại, tối ưu liên tục — y hệt như bất kỳ mô hình kinh doanh thực thụ nào.

Không có “mẹo vặt” nào giúp bạn kiếm được hàng ngàn đô nếu bạn không có kỹ năng, không hiểu khách hàng, và không sẵn sàng thử – sai – học lại.

Không có “plugin thần kỳ” hay “template phễu bán hàng thần thánh” nào cứu được một người không chịu nghiên cứu và làm thật.

Tâm lý “muốn dễ, muốn nhanh” là nguyên nhân khiến hàng ngàn người bỏ cuộc khi chưa kịp hiểu bản chất của affiliate marketing.

Muốn thành công, bạn cần kiên nhẫn xây nền móng, cần thái độ nghiêm túc như đang khởi nghiệp thật sự – vì đúng là bạn đang làm điều đó.

2. Quá nhiều thông tin – Nhưng không phải thông tin nào cũng phù hợp

Chúng ta đang sống trong thời đại mà chỉ cần gõ “cách làm affiliate marketing” lên Google hay YouTube, bạn sẽ thấy hàng ngàn kết quả: video hướng dẫn, blog chia sẻ kinh nghiệm, khóa học miễn phí, ebook tặng kèm…

Thông tin thì tràn ngập, nhưng kết quả thì vẫn vậy: đa số người mới vẫn thất bại. Tại sao lại như vậy?

image 4
Lý do là vì: người ta chia sẻ những gì họ làm thành công, chứ không phải những gì bạn nên làm.

Người ta dạy bạn chạy quảng cáo, họ có ngân sách $5,000 mỗi tháng.

Còn bạn? Chỉ có $300.

Người ta chia sẻ cách làm blog kiếm tiền, nhưng họ đã có kỹ năng viết như copywriter chuyên nghiệp, họ biết làm SEO nâng cao, đã làm 5 năm.

Còn bạn? Vừa mới tập viết, chưa biết chọn từ khóa, chưa biết tối ưu tiêu đề.

Điều đó không có nghĩa bạn kém. Chỉ là bạn đang so mình với người ở giai đoạn khác, có nền tảng và điều kiện khác.

Nếu bạn học mà không tìm xem đâu là phương pháp phù hợp với tình huống của mình, thì rất dễ rơi vào vòng xoáy bắt chước:

  • Thấy người ta làm blog → bạn cũng làm blog
  • Thấy người ta làm TikTok → bạn cũng làm TikTok
  • Thấy người ta chạy native ads → bạn cũng bắt chước và chạy quảng cáo

Kết quả là: bạn nhảy từ hướng này sang hướng khác, chưa kịp hiểu gì thì tiền đã hết, động lực cũng cạn.

Làm affiliate không phải là đi tìm “cách làm đúng nhất” – mà là tìm ra cách phù hợp nhất với bản thân mình.

Phù hợp với vốn, kỹ năng, sở trường, và cả hoàn cảnh sống.

Muốn làm được điều đó, không thể chỉ học lý thuyết.

Bạn cần thực chiến – thử sai – rồi quay lại phân tích: điều gì hiệu quả với mình, điều gì không.

Đó mới là con đường học đúng, học có chọn lọc.

3. Học quá nhiều, tiêu hết vốn – rồi không còn tiền để làm thật

Một trong những sai lầm phổ biến nhất của người mới bắt đầu làm affiliate marketing, đó là: dồn hết tiền vào việc học – mà không còn tiền để làm thật.

Họ bắt đầu bằng việc mua một khóa học “VIP” trị giá $999, được quảng cáo là đã giúp hàng ngàn người đạt $10k/tháng.

Học xong vẫn chưa hiểu rõ nên bắt đầu từ đâu, lại mua tiếp khóa khác.

  • Khóa dạy chạy quảng cáo. 
  • Khóa dạy làm SEO. 
  • Khóa dạy viết content chuyển đổi cao.

Và cuối cùng… hết sạch tiền.

Lúc đó, họ có một cái đầu đầy kiến thức — nhưng không còn vốn để chạy một chiến dịch affiliate ra hồn.

Không đủ ngân sách để test quảng cáo.

Không có tiền để đầu tư domain, hosting, công cụ tối ưu.

Không có kinh nghiệm thực chiến — vì toàn bộ thời gian chỉ để học, chứ chưa làm.

Và đáng buồn hơn nữa:

Affiliate marketing không phải thứ bạn có thể học xong mới làm. Nó là thứ bạn chỉ có thể học thông qua thực hành.

Khi bạn thực sự bắt đầu chạy chiến dịch: bạn sẽ biết landing page mình thiết kế dở chỗ nào, tiêu đề quảng cáo có CTR bao nhiêu, và điều gì khiến khách hàng bỏ qua link của bạn.

Mỗi lần chạy sai là một bài học sâu sắc – và đó là thứ mà không khóa học nào có thể dạy bạn.

Vì vậy, nếu bạn có trong tay một số vốn nhỏ, thì đừng mua khóa học (trừ khi nó rẻ và bạn đủ khả năng mua).

Hãy học kiến thứ từ các blog, YouTube, vừa đủ để bắt đầu — rồi dành thời gian và ngân sách để thực hành.

Thất bại ban đầu là điều không tránh khỏi, nhưng nó xứng đáng. Vì đó là cách học hiệu quả và thực tế nhất.

image 5

4. Bị dẫn dắt bởi video “câu view”, không phải video chất lượng thực sự

Một nguyên nhân rất phổ biến khiến nhiều người thất bại khi làm affiliate marketing là họ học từ những video “câu view”.

Cụ thể hơn:

  • Họ học affiliate từ những video YouTube có hàng trăm ngàn lượt xem, tiêu đề giật tít, thumbnail bắt mắt, cách nói chuyện lôi cuốn.
  • Những video đó thường rất dễ hiểu, rất truyền cảm hứng, khiến người xem cảm giác “affiliate thật đơn giản, tôi cũng làm được.”

Vấn đề nằm ở chỗ:

Muốn có nhiều lượt xem, nội dung buộc phải đơn giản hóa. Phải nói những điều phổ thông, dễ tiếp cận, đánh trúng tâm lý số đông.

Còn những kiến thức thật sự chuyên sâu, chia sẻ kiến thức thực chiến – lại ít người quan tâm, ít lượt view, và thường được giấu kỹ.

Người làm giỏi affiliate thật sự thì sao?

  • Họ ít chia sẻ — vì họ đang bận kiếm tiền.
  • Nếu có chia sẻ, họ thường làm ở dạng video nâng cao, ít lượt xem, hoặc livestream trong các nhóm kín, cộng đồng nhỏ.
  • Họ không cần lượt view để sống — vì họ không kiếm tiền từ YouTube, họ kiếm từ hệ thống affiliate thực chiến của mình.

Ngược lại, nhiều “thầy dạy affiliate” trên YouTube lại kiếm tiền từ lượt hiển thị quảng cáo, chứ phải không từ affiliate thật sự.

Nghĩa là:

  • Họ không cần bạn thành công.
  • Họ chỉ cần bạn xem video càng lâu càng tốt.
  • Và nếu bạn thất bại? Không sao, bạn vẫn sẽ quay lại xem video tiếp theo.

Hậu quả: Người mới bị ngộ nhận. Họ nghĩ mình đang học “cách làm affiliate giỏi”, nhưng thực chất chỉ đang tiêu thụ nội dung giải trí mang hình thức giáo dục.

5. Bỏ cuộc khi đụng phải “bức tường kỹ năng”

Lúc mới bắt đầu, affiliate marketing trông có vẻ đơn giản: chọn một sản phẩm, đặt link, chạy quảng cáo hoặc viết bài review.

Nhưng càng làm, bạn càng nhận ra: để làm cho ra tiền, bạn sẽ phải vượt qua những “bức tường kỹ năng” mà không ai nói trước cho bạn biết.

Nếu bạn chọn chạy quảng cáo:

  • Bạn phải học thiết lập tracking, gắn pixel, dùng UTM, đo chuyển đổi.
  • Phải biết chỉnh sửa landing page cho tối ưu, biết dùng các công cụ như Google Tag Manager, hiểu qua về funnel.
  • Có lúc còn phải chạm vào HTML, CSS, hoặc JavaScript để xử lý một số lỗi nhỏ mà nếu không tự làm, website sẽ không  hiển thị tốt.

Nếu bạn chọn hướng SEO, làm affiliate theo kiểu viết blog dài hạn:

  • Bạn sẽ phải dành hàng trăm giờ để luyện viết, học cách nghiên cứu từ khóa, sắp xếp nội dung mạch lạc, tạo nội dung mà vừa chuẩn SEO vừa đủ sức giữ chân người đọc.
  • Và quan trọng hơn: AI không giúp bạn làm điều này. Nội dung làm bằng AI không bao giờ đủ để vượt qua những blog thật sự có chiều sâu và thứ hạng cao trên Google.

Đây là giai đoạn mà nhiều người bắt đầu thấy nản.

Họ nghĩ affiliate là “cắm link kiếm tiền”.

Nhưng rồi họ nhận ra: muốn làm ra tiền, phải học kỹ năng mới. Và kỹ năng thì không học được trong một đêm.

Nhiều người bỏ cuộc ở đây. Mà họ thấy mình không đủ giỏi.

Trong khi sự thật là: không ai đủ giỏi ngay từ đầu cả. Không ai sinh ra đã biết làm affiliate marketing cả.

Những cao thủ affiliate cũng đều từng là newbie, họ cũng từng ngồi vò đầu bứt tai vì lỗi tracking, vì bài viết không lên top, vì tỉ lệ chuyển đổi bằng 0%.

Nhưng họ đã vượt qua điều đó.

Sự cô đơn khi làm affiliate marketing một mình

Một trong những điều ít ai nói về affiliate marketing, đó là: nó rất cô đơn.

Bạn không có sếp, không có đồng nghiệp, cũng không có ai chỉ tay hướng dẫn từng bước. Khi chiến dịch không ra đơn, khi tiền quảng cáo “bốc hơi” mà không có kết quả, bạn cũng chẳng biết hỏi ai. 

Bạn phải tự phân tích, tự điều chỉnh, và đôi khi… chỉ biết ngồi nhìn màn hình mà thở dài.

image 6

Không có tiếng vỗ tay khi bạn làm tốt.

Không ai động viên khi bạn muốn bỏ cuộc.

Chỉ có bạn — và những lựa chọn bạn phải tự chịu trách nhiệm.

Vì vậy, để đi được đường dài, bạn không chỉ cần kỹ năng, mà còn cần một thứ quan trọng hơn: sức mạnh tinh thần.

Bạn phải tin vào con đường mình chọn, ngay cả khi mọi thứ chưa có kết quả gì. Bạn phải chấp nhận việc không ai hiểu mình, không ai cổ vũ — nhưng vẫn tiếp tục làm.

Affiliate là một hành trình cô độc, nhưng cũng chính vì thế, nó là một hành trình trưởng thành.

Ưu điểm của affiliate marketing: Sự tự do

Dù khó, dù cạnh tranh, dù đòi hỏi kiên trì và học hỏi liên tục — affiliate marketing vẫn hấp dẫn rất nhiều người, vì một lý do quan trọng: tự do.

Khi bạn làm affiliate, bạn không cần có mặt ở văn phòng lúc 8 giờ sáng.

Không có sếp quản lý, không phải tham gia những cuộc họp nhàm chán.

Không có đồng nghiệp drama, không có KPI vô nghĩa, không cần xin nghỉ phép chỉ để về quê vài hôm.

  • Bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu: một quán cà phê yên tĩnh, một ngôi nhà nhỏ ở quê, hay một không gian sáng tạo giữa núi rừng.
  • Bạn có thể dành thời gian cho cha mẹ, cho con cái, cho chính mình. Đọc sách, thiền, làm mộc, học điều mới — những điều bạn từng không có thời gian khi còn đi làm công sở.

Đó là kiểu tự do mà hầu hết công việc truyền thống không thể mang lại — dù lương có cao đến đâu.

Bài học khó nhất: Biết đủ là dừng

Nhưng đây cũng là nghịch lý của affiliate:

Có người đã thành công. Đã thoát được công việc 9–5. Đã có thu nhập đủ sống.

Nhưng rồi họ lại muốn nhiều hơn.

Họ chạy thêm chiến dịch. Tối ưu thêm phễu. Mở thêm website, lấn sân sang TikTok, YouTube…

Họ làm việc cả ngày lẫn đêm, còn mệt hơn hồi đi làm thuê.

Lúc đó, cái “tự do” ban đầu dần biến mất.

Họ tự nhốt mình vào vòng xoáy không điểm dừng, chỉ vì một chữ: tham.

Không ít người kiếm được $5,000/tháng từ affiliate, nhưng vẫn cảm thấy thiếu. Họ muốn $10k, rồi $20k, rồi $100k.

Rốt cuộc, họ sống cả đời trong áp lực — dù họ đã từng chạm tay vào tự do.

Thu nhập của họ tăng lên rất nhiều, nhưng họ cũng mất đi thời gian và sức khỏe của bản thân.

Vậy nên bạn cần: Biết dừng lại đúng lúc.

Hãy nhớ lý do vì sao bạn bắt đầu con đường này. Nếu đó là tự do, thì đừng để chính mình đánh mất nó.

Những dòng cuối cùng…

Không có con đường làm giàu nào mà không phải đánh đổi. Affiliate marketing cũng vậy. 

Nó không dành cho người thiếu kiên nhẫn, không dành cho những ai muốn giàu trong một đêm, và càng không dành cho người chỉ học mà chịu làm.

Nhưng nếu bạn bước vào với tâm thế đúng: xem nó là một mô hình kinh doanh nghiêm túc, chấp nhận học hỏi từ thực tế, thì affiliate marketing có thể mang đến cho bạn thứ mà ít ngành nghề nào khác có thể: tự do thật sự.

Bạn không cần giỏi ngay từ đầu. Bạn chỉ cần không bỏ cuộc.

Vì đôi khi, người thành công không phải là người thông minh nhất, mà là người chịu làm, chịu học, và biết mình đang sống vì điều gì.

Bài viết liên quan:

  • Your blog is a breath of fresh air in the often stagnant world of online content. Your thoughtful analysis and insightful commentary never fail to leave a lasting impression. Thank you for sharing your wisdom with us.

  • {"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}
    >