Nếu bạn là người mới, thì nghe từ “Hosting” có vẻ hơi khó hiểu. Trên mạng thì tràn ngập thông tin làm bạn hoa mắt chóng mặt.
Đừng sợ hãy, trong bài này tôi sẽ phân tích chi tiết đầy đủ về các loại Hosting. Bạn cần phải hiểu bởi vì nó là bắt buộc để xây dựng website cho kinh doanh online.
Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm chọn Hosting tốt, đó là bài học sau nhiều năm kinh doanh mà tôi có được. Với kiến thức này, bạn sẽ có thể tự tin chọn cho mình một máy chủ mạnh mẽ, ổn định để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh online.
Hosting là gì và tại sao lại cần nó?
Giả sử bạn mở một cửa hàng, thì bạn cần đặt cho nó một cái tên. Và sau đó bạn cần thuê mặt bằng để làm kho chứa sản phẩm và bày bán cho khách.
Cửa hàng online (website) cũng như vậy, bạn cần một cái tên (tên miền) và một khu vực để lưu trữ tài liệu của website (Hosting). Bạn có thể thuê Hosting từ các công ty cung cấp.
Sau khi mua Hosting, bạn sẽ cài đặt wordpress và đăng các file cần thiết lên đó, và thiết kế lại website cho phù hợp với phong cách cá nhân của bạn.
Máy chủ Share Hosting – Chia sẻ tài nguyên với website khác
Đúng như cái tên “share = chia sẻ”, với máy chủ dạng này, bạn sẽ chia sẻ tài nguyên (CPU, RAM) cùng hàng trăm, hoặc hàng nghìn website khác, đề được đăng lên cùng một máy chủ.
Tất cả website đều dùng chung tài nguyên, nên máy chủ Share Hosting rất rẻ. Hãy tưởng tượng bạn sống trong một khu trung cư rẻ tiền, nơi hàng trăm người sống chung… khá là tệ.
Người ta thường dùng máy chủ Share Hosting để bắt đầu tạo website, hoặc blog. Sau khi có lợi nhuận sẽ nâng cấp dần lên. Chi phí mua máy chủ Share Hosting từ $3 – $9 một tháng.
Ấy nhưng mà từ khi cPanel họ tăng giá chi phí bản quyền, thì máy chủ Share Hosting không còn rẻ như trước nữa.
Ưu điểm của Share Hosting
- Giá rẻ đến mức khó tin
- Được cài cPanel sẵn, không cần phải đương đầu với code
- Không cần nhiều bước thiết lập, cài đặt wordpress dễ dàng.
Nhược điểm của Share Hosting
- Bị hạn chế tài nguyên, vì bạn phải dùng chung tài nguyên với website khác.
- Hiệu suất máy chủ khá thấp, bạn bị giới hạn tài nguyên.
- Nếu một website trên máy chủ bị hack, thì toàn bộ website khác có thể bị dính theo.
Nhiều bạn khi mua Share Hosting, các bạn nghĩ rằng là được Unlimited Storage (bộ nhớ không giới hạn) như mấy công ty bán máy chủ quảng cáo. Không phải đâu nhé.
Họ không giới hạn bộ nhớ, nhưng họ giới hạn số file mà bạn tải lên (indos). Bạn chỉ cài plugin, đăng ảnh lên thì rất nhanh sẽ hết giới hạn, và bạn sẽ phải nâng cấp.
Họ dùng thủ thuật này để lừa newbie, StableHot đó, mấy công ty đó không đáng tin chút nào.
Còn Bluehot nữa, nghe nhiều người quảng cáo là công ty uy tín. Tôi đã từng mua máy chủ của họ rồi, khi mua thì tôi thường chọn máy chủ tốt.
Họ để mức giá là 29$ một tháng, sau khi mua về thì phát hiện, chỉ 29$ trong tháng đầu, còn tháng tiếp theo tăng lên 59$. Cái chữ $59 họ viết nhỏ xíu, rồi còn bị gạch đi nữa, làm tôi hiểu lầm.
Cái này thì khác gì mấy người bán hàng rong ven đường, họ viết “Cam tươi giá 15k cho 1Kg”, nhưng lại gần thì phát hiện là 15k cho ⅓ kg, với số 3 nhỏ xíu bên dưới.
Tóm lại là không thể tin tưởng bọn này.
VPS Hosting (máy chủ ảo riêng)
Với VPS, thì một máy chủ vật lý được phân chia thành nhiều máy chủ ảo với một hệ điều hành riêng biệt và tài nguyên riêng biệt. Tóm lại nó vẫn là sharehost nhưng mỗi người dùng sẽ được phân bổ tài nguyên máy chủ riêng.
Nhiều bạn dùng phần mềm như VMware để tạo máy tính ảo, cài linux trên window… thì chính là kiểu máy ảo đó. VPS hoạt động độc lập như một máy chủ riêng biệt, và bạn có toàn quyền kiểm soát.
Việc phân bổ tài nguyên như vậy giúp VPS mạnh hơn so với Share Hosting. Tức là nó có thể chịu tải được lượng traffic lớn hơn.
Nhiều doanh nghiệp lớn, cửa hàng eCommerce thường dùng VPS. Bởi vì nó có nhiều tính năng linh hoạt hơn so với Share Hosting.
Mức giá của VPS khoảng $35 một tháng.
Ưu điểm của VPS Hosting
- Bạn có thể tăng tài nguyên VPS dễ dàng, nếu bạn muốn tăng từ 1 CPU lên 5 CPU thì chỉ cần thanh toán là sau đó hệ thống sẽ tự động nâng cấp.
- Bạn được toàn quyền kiểm soát máy chủ, bạn có thể cài window trên VPS cũng được.
- Bảo mật tốt hơn Share Hosting bởi vì VPS hoạt động như một máy chủ riêng biệt. Nếu một VPS bị dính virus, thì các VPS còn lại không gặp vấn đề gì.
Nhược điểm của VPS Hosting
- Việc cài đặt wordpress trên VPS rất nhức đầu và phức tạp, đặc biệt là cài SSL, vì lý do này nên tôi rất hạn chế dùng VPS.
- Bạn không được dùng cái cPanel đẹp đẽ dễ thương như Share Hosting, mà bạn sẽ được truy cập vào hệ điều hành Linux, còn không có giao diện, chỉ toàn code là code.
- Không có cPanel, thì PHP cũng rất khó xử lý. Với cPanel bạn bấm một cái là xong, còn với VPS, thì phải lên internet, dò code, và điền code vào VPS. Và khả năng cao là sai code, bởi vì VPS có nhiều loại hệ điều hành, nên bạn dễ tìm nhầm code.
Tôi từng mua VPS Hosting của Bluehost, nghe đồn họ cũng là một công ty có tiếng tăm, nhưng cPanel của họ là phiên bản tự chế, thiếu rất nhiều tính năng và tôi phải liên hệ support để xử lý, trao đổi bằng tiếng Anh kỹ thuật không hề dễ dàng.
Dedicated Hosting – Sở hữu một máy chủ riêng biệt
Đây là dạng máy chủ mà tôi ưa thích. Với dedicated Hosting, bạn sẽ có một máy chủ riêng, bạn nhận được toàn bộ tài nguyên và được quyền truy cập vào toàn bộ máy chủ.
Nhiều công ty còn giúp cài đặt cPanel sẵn sàng, giúp tiện lợi hơn rất nhiều so với VPS. Thông Thiên Phong hiện đang dùng máy chủ với 8 CPU và 8G RAM. Mà kéo traffic mãi vẫn chưa hết 10% tài nguyên máy chủ.
Đương nhiên là chi phí thuê Dedicated Hosting rất đắt. Nhưng với những cửa hàng eCommerce lớn, những doanh nghiệp lớn, những website với lượng traffic lớn… thì mức giá đó không thành vấn đề.
Chi phí thuê dedicated Hosting từ $80 – $800 một tháng. Càng trả giá cao, cấu hình máy chủ càng mạnh.
Ưu điểm của Dedicated Hosting
- Linh hoạt, bạn có thể cài phần mềm phù hợp cho doanh nghiệp
- Bạn được dùng tất cả tàn nguyên máy chủ
- Cấu hình cực mạnh, chịu tải được lượng traffic cực lớn
Nhược điểm của Dedicated Hosting
- Chi phí rất cao
Managed Cloud Hosting – Nhiều ưu điểm vượt trội
Đây là dạng máy chủ mới ra mắt gần đây, cũng chưa có nhiều công ty cung cấp. Nó có độ mạnh tương tự VPS, nhưng lại dễ sử dụng như share Hosting.
Với Cloud Hosting, website của bạn sẽ được cài trên một máy chủ ảo, giống như VPS, nhưng máy chủ đó đã được thiết lập sẵn cPanel cho bạn dễ dàng sử dụng.
Khi website của bạn bị tài nguyên (RAM, CPU) thì hệ thống VPS sẽ tự động lấy những tài nguyên của những website khác (mà họ không sử dụng) và cấp sang cho website của bạn.
Ưu điểm của Managed Cloud Hosting
- Máy chủ được thiết lập sẵn sàng, bạn không phải tốn thời gian mò code như VPS, giúp bạn tiết kiệm sức lực để tập trung vào kinh doanh.
- Việc nâng cấp máy chủ dễ dàng, bạn chỉ cần thanh toán rồi click, và máy chủ sẽ được tăng tài nguyên.
- Vì là dạng máy chủ Cloud, nên nó mạnh và ổn định hơn nhiều so với Share Hosting, thời gian Uptime đạt 99.99%.
- Website bảo mật tốt, khi một website bị virus thì những người dùng khác không bị ảnh hưởng.
Nhược điểm của Managed Cloud Hosting
- Bạn sẽ phải trả thêm chi phí, sẽ đắt hơn so với Share Hosting. Nhưng chi phí đấy là quá thấp so với việc phải ngồi tìm code để cài VPS. Tôi từng phải học code rồi, và nó không hề vui chút nào.
Bạn nên cân nhắc điều gì khi chọn nhà cung cấp máy chủ
Nếu bạn mới khởi nghiệp kinh doanh, thì tôi khuyên bạn nên chọn Managed Cloud Hosting. Chi phí nó đắt hơn share Hosting, nhưng độ ổn định cao và dễ dàng nâng cấp.
Share Hosting không nâng cấp lên VPS hay là Dedicated được, bạn phải chuyển dữ liệu máy chủ chứ họ không có chức năng nâng cấp.
Tùy vào điều kiện và nguồn lực mà bạn có, bạn hãy chọn máy chủ cho phù hợp, nhưng hãy cân nhắc những điều sau:
Thời gian Uptime
Thời gian uptime là tỷ lệ thời gian mà website có thể truy cập được. Hãy nhớ rằng, mỗi lúc website bị đơ và không truy cập được, là bạn sẽ bị giảm doanh thu, Google cũng sẽ đánh giá thấp website và giảm thứ hạng SEO.
Nhiều nhà cung cấp khẳng định rằng tỷ lệ Uptime của họ đạt 99.95%. Nhưng qua những đợt test thật thì tỷ lệ Uptime của họ thấp hơn con số đó khá nhiều.
Tốc độ load và thời gian tải trang
Google coi tốc độ load website là một yếu tố để đánh giá thứ hạng website. Nó là tốc độ mà máy chủ phản ứng với truy vấn từ người truy cập.
Bạn cũng có thể tối ưu tốc độ bằng cách dùng plugin tăng tốc, và xóa bỏ những plugin không cần thiết, cài những theme nhẹ đã được tối ưu CSS.
Bảo mật máy chủ
Share Hosting là dạng máy chủ có độ bảo mật thấp nhất, khi một website bị tấn công, bị hack thì toàn bộ các website khác đều bị ảnh hưởng. Việc hack thì dễ, còn việc xử lý hậu quả sau khi bị hack thì tương đối mệt.
Bạn cũng cần chú ý chọn những máy chủ có chứng chỉ SSL. Hiện tại SSL là rất quan trọng, nếu không có SSL thì website sẽ tụt giảm uy tín ở cấp độ cao.
Hỗ trợ khách hàng
Khi tình huống tệ xảy ra, bạn sẽ cần liên hệ với đội support để họ hỗ trợ bạn. Với những bạn dùng VPS thì nhức đầu rồi, đa số VPS là bạn phải tự xử lý, và người ta sẽ không hỗ trợ bạn với những vấn đề xảy ra với website.
Còn với những bạn dùng VPS, hoặc Managed Cloud Hosting nước ngoài thì cũng tương đối khó, bởi vì bạn sẽ phải dùng tiếng Anh kỹ thuật để trao đổi. Tôi từng trao đổi kỹ thuật với họ bằng tiếng Anh, và phải nói là rất rất đau đầu.
Nhưng nếu bạn mua máy chủ tại Thiên Phong Hosting, thì sẽ có người Việt hỗ trợ bạn, tránh rào cản ngôn ngữ.
Giới hạn băng thông và bộ nhớ lưu trữ
Một số máy chủ share Hosting tự hào khoe rằng họ cung cấp bộ nhớ không giới hạn, băng thông không giới hạn. Nhưng đó chỉ là mánh khóe bán hàng.
Họ cung cấp bộ nhớ không giới hạn, nhưng họ lại giới hạn số file tải lên. Có khi bạn chỉ dùng 2G là đã đầy số file cho phép rồi.
Còn về băng thông không giới hạn, thực ra đa số những người mới tạo website, họ chỉ dùng rất ít băng thông, nên không hề ảnh hưởng. Vậy họ mới dám khoe là băng thông không giới hạn.
Nếu bạn đạt giới hạn, thì bạn cần nâng cấp máy chủ, hoặc chuyển sang máy chủ khác.
Vị trí máy chủ
Nếu bạn kinh doanh tại một khu vực hoặc quốc gia cụ thể, thì bạn cần đặt vị trí máy chủ ở gần khu vực đó, như vậy sẽ có tốc độ truy cập cao hơn và tốt cho SEO, bởi vì tốc độ phản ứng của máy chủ nhanh hơn.
Bạn có thể tăng tốc độ truy cập bằng cách sử dụng CDN. Cái CDN này sẽ tạo một bản sao website của bạn và phân bổ nó ra khắp nơi trên thời gian. Khi người dùng truy cập, thì họ sẽ xem thông tin từ CDN này.
Đó là lý do mà các bạn thấy nhiều website nước ngoài, nhưng truy cập thì vẫn thấy tốc độ rất nhanh.
cPanel
Nếu công ty Hosting không cung cấp cPanel, thì bạn phải coi lại. cPanel hỗ trợ cực tốt khi bạn dùng website wordpress. Với những thiết lập PHP rất nhanh gọn, bấm một cái là xong.
Còn với VPS, nếu muốn cài đặt PHP thì phải dùng code nhé. Nếu cài sai code thì… cũng không biết sẽ như thế nào.
Tổng kết
Mua tên miền, mua máy chủ, tạo website là bước đầu tiên để bạn có thể khởi nghiệp kinh doanh. Trong bài viết này tôi đã phân tích kỹ để bạn có thể dễ dàng tìm được nhà cung cấp máy chủ tốt.
Kinh doanh online không phải là dễ dàng, tỷ lệ thất bại tương đối cao (kinh doanh ở đâu cũng vậy thôi). Nhưng bạn sẽ có thể khởi nghiệp với số vốn cực thấp.
Hãy tham khảo những bài viết khác trên Thông Thiên Phong để học kiến thức kinh doanh online nhé. Chúc bạn thành công.
Bạn rất có kinh nghiệm về affiliate.Bài viết rất hay.
Cảm ơn bạn!