Bóc phốt “Luật hấp dẫn” của Rhonda Byrne –  Tự tẩy não bản thân để tạo cảm giác thành công

Cập nhật: 12/09/2023 | Ngày đăng: 07/09/2023
Danh mụcKinh Doanh
luat hap dan

Vào lúc tôi khởi nghiệp kinh doanh online, tôi đã mù quáng tin tưởng vào thứ gọi là Luật hấp dẫn, được người ta rao rêu khắp nơi trên khắp Internet rằng đó là bí quyết thành công.

Sau nhiều năm bôn ba, tôi cuối cùng cũng hiểu được rằng, luật hấp dẫn kia thực ra chỉ là một ảo tưởng phi thực tế. Tôi thật hối hận rằng lúc đó tôi đã tin ngay những lời họ nói, mà không biết tự phân tích suy nghĩ.

Đọc sách mà không biết tự phân tích, suy nghĩ, cứ hoàn toàn tin theo tác giả mà không có sự tự nghi ngờ, thì chính là đọc sách chết, bạn sẽ dần trở thành cái bóng của người khác, dần đánh mất tư duy độc lập của bản thân.

Đọc sách self-help liệu có thể thành công?

Trong thế kỷ qua, mỗi giai đoạn đều xuất hiện những quyển sách self-help. Đọc những quyển sách về phát triển bản thân, bạn sẽ cảm thấy tràn trề nhiệt huyết, tràn trề động lực để kinh doanh, làm giàu.

Nhưng kinh doanh là làm như thế nào, kế hoạch từng bước ra làm sao, thì những quyển sách kia không chỉ cho bạn biết đâu. Sau một thời gian, động lực hết dần, và bạn lại quay trở về tình trạng như cũ.

Vào 1936, Napoleon Hill ra mắt quyển sách “Nghĩ giàu là làm giàu”. Sau đó 20 năm, Norman Vincent xuất bản cuốn “Sức mạnh của suy nghĩ tích cực”. Vào những năm 90, Tony Robbin ra mắt quyển “đánh thức con người phi thường trong bạn”. Và sau đó quyển sách “Luật hấp dẫn” của Rhonda Byrne ra đời.

Các quyển sách này thường lặp đi lặp lại mấy thứ giống nhau: làm chủ suy nghĩ, tư duy tích cực, tập trung vào mục tiêu, không nghi ngờ bản thân, hình dung và tập trung vào những gì bạn muốn, và cuối cùng bạn sẽ đạt được nó.

Cơ bản nội dung sách self help này là giống nhau, nhưng nó được viết khác nhau, để phù hợp với các đối tượng người đọc khác nhau. Sách của Napoleon Hill xuất bản sau Đại Khủng Hoảng, Sách của Vincent Peale ra mắt sau thế chiến thứ 2. Sách của Tony Robbin dành cho thế hệ 8x.

Và “Luật hấp dẫn” ra đời vào thời đại bùng nổ thông tin, nó tuyên truyền một lý thuyết rằng “ta là trung tâm của vũ trụ, ta muốn gì, vũ trụ sẽ giúp ta đạt được điều đó”.

Những quyển sách self-help kia, ít ra cũng đưa ra được một số lời khuyên hữu ích, nhưng Luật hấp dẫn thì khác, toàn là nội dung sáo rỗng, phi thực tế. Nó sử dụng “sự thành công” để làm mồi nhử, dụ dỗ người ta tin theo.

Đọc sách, các bạn đừng có tin những điều trong sách như là chân lý, mà phải biết tự phân tích, tự đánh giá. Chúng ta không thể cứ “đọc sách chết”. Ngay cả với bài viết này, bạn nên đọc, nhưng cũng nên có những phân tích của riêng mình.

Luật hấp dẫn thực ra là gì?

Luật hấp dẫn trong bài viết này, không phải chỉ “định luật hấp dẫn của Newton”, mà là khái niệm được đặt ra trong sách của Rhonda Byrne. Bà ấy quan niệm rằng: Bất kỳ thứ gì bạn muốn và chú ý đến nó, thì vũ trụ sẽ vận hành và giúp bạn đạt được điều đó (Bạn là trung tâm của vũ trụ).

Theo lý đó, thì nếu bạn cứ tập trung vào những thứ bạn không muốn, thì chúng sẽ xảy đến. Còn nếu bạn chỉ tập trung vào những điều bạn muốn, thì bạn sẽ đạt được mọi thứ tốt đẹp trong cuộc đời.

Rhonda Byrne đưa ra lý thuyết rằng vũ trụ được tạo nên bởi năng lượng. Và tất cả năng lượng đều có tần số rung động. Suy nghĩ của con người có tần số, nó sẽ thu hút những thứ liên quan, cộng hưởng với rung động của vũ trụ.

Theo như cái luật hấp dẫn ấy, thì nếu bạn chỉ lo lắng về nợ lần, cứ nghĩ rằng “tôi không đủ tiền trả nợ”, thì vũ trụ sẽ cho bạn điều đó, và bạn sẽ luôn sống trong nghèo khổ.

Cũng theo cái luật hấp dẫn ấy, nếu bạn nghĩ rằng bạn giàu có, thành công và khỏe mạnh, thì cho dù bạn chẳng cần làm gì, vũ trụ cũng sẽ cộng hưởng với rung động suy nghĩ của bạn, và nó sẽ giúp bạn trở nên giàu có và thành công như bạn mong muốn.

Vậy điều đó có đúng không?

Cách luật hấp dẫn hoạt động dưới góc nhìn tâm lý học

image

Dưới phân tích tâm lý học một cách kỹ lưỡng, thì Luật hấp dẫn kia chẳng qua chỉ là một khái niệm tâm lý học gọi là “thiên kiến xác nhận”.

Bộ não của con người có giới hạn, bị giới hạn khả năng chú ý. Nên nó chỉ chọn để chỉ tập trung vào một số thứ quan trọng trong cuộc sống. Thiên kiến xác nhận, là xu hướng tập trung nhiều hơn đến những đối tượng hoặc trải nghiệm cụ thể.

Ví dụ như, cả năm trời bạn không quan tâm đến việc mua máy tính mới, laptop của bạn khá ổn và bạn hài lòng với nó. Nhưng rồi đột nhiên, nó bị liệt mất một phím. 

Và bởi vì với laptop, liệt 1 phím là phải thay toàn bộ. Nên bạn đã vào Internet để tìm kiếm thông tin, bạn học được rất nhiều điều về các loại bàn phím, rồi nào là bàn phím cơ, các loại bàn phím khác nhau, độ nhạy là như thế nào…

Bạn bắt đầu chú ý vào các mẫu mã bàn phím (và laptop), những suy nghĩ liên tục vọt ra và chiếm hết tâm chí bạn, mặc dù trước đây chẳng thấy chúng xuất hiện.

Theo phân tích, thì Luật hấp dẫn đang lợi dụng khái niệm thiên kiến xác nhận. Nó yêu cầu người ta phải liên tục suy nghĩ tích cực về bản thân, mà không được phép nghi ngờ gì.

Rồi dần dần, bạn sẽ chú ý đến những trải nghiệm tích cực nhỏ bé trong cuộc sống. Một số điều tốt trong cuộc sống đã xảy đến với bạn, và bạn nhầm lẫn rằng luật hấp dẫn đã mang nó đến.

Cũng có một số điều không tốt trong cuộc sống xảy đến với bạn, và theo như luật hấp dẫn kia yêu cầu, thì phải lờ nó đi, coi như nó không tồn tại. Woa la, bạn đã tự tẩy não bản thân, bước trên con đường của “tích cực độc hại”.

Luật hấp dẫn có thể làm hỏng công việc kinh doanh của bạn như thế nào?

image 1

Luật hấp dẫn nói lên rằng, nếu bạn muốn thành công thì không được phép nghi ngờ bản thân, không được chú ý đến những điều tiêu cực, không được chấp chứa những suy nghĩ tiêu cực.

Đó chính là phóng đại cái “thiên kiến xác nhận”, tự tẩy não và lừa dối bản thân. Nếu mà bạn tham gia kinh doanh với tư duy này, bạn sẽ chỉ nhìn vào những tiềm năng lợi nhuận mà bỏ qua những rủi ro có thể xảy đến.

Cách tự tẩy não bản thân này có thể giúp người ta an tâm trong giai đoạn ngắn hạn. Nhưng nó sẽ để lại hậu quả dài hạn, bởi vì cuộc đời luôn có hai mặt đối lập.

Khi bạn tham gia khóa học của Thiên Phong MMO, bạn sẽ thấy tôi giới thiệu khóa học rất hay, ở đâu cũng toàn là tích cực, tiềm năng, lợi nhuận. Và không thấy nhắc đến những rủi ro (mặc dù rủi ro không phải là ít).

Bởi vì làm khóa học thì phải thế, không làm vậy thì ai sẽ mua. Bán khóa học ế thì sẽ phải dẹp website, rất tốn công.

Cuộc sống là rủi ro. Đi đường có rủi ro tai nạn, đi cầu thang có rủi ro ngã, đang ngồi làm việc có rủi ro đột quỵ, ngồi thở thôi mà không làm gì, cũng có rủi ro mắc các bệnh về phổi. Và bởi vì “thiên kiến xác nhận”, nên bạn thường không để ý đến những rủi ro này.

Mà kinh doanh là một phần của cuộc sống, chẳng lẽ nó lại không có rủi ro sao.

Theo luật hấp dẫn, thì chỉ được nhìn vào tích cực, không được nhìn vào tiêu cực. Nhưng trong kinh doanh, bạn cần thật sự nhìn thẳng vào lợi ích và rủi ro, nhìn vào số liệu để đưa ra quyết định trong kinh doanh, chứ không thể tự lừa bản thân bằng những ảo tưởng lợi nhuận phi thực tế.

Ngoài ra, ảo tưởng tích cực của luật hấp dẫn có thể khiến bạn lười biếng, nó tạo cho bạn cảm giác đã thành công (giả), nhưng trên thực tế bạn vẫn chẳng có gì, vẫn dậm chân tại chỗ trong cái vòng lặp tích cực.

Muốn thành công, thì cần học kinh nghiệm thực tiễn rồi từng bước thực hành, làm việc, đầu tư thời gian và công sức, chấp nhận rủi ro có thể xảy đến.

Không những thế, bạn còn cần phải rèn được một nội tâm mạnh mẽ. Khi đối mặt với khó khăn, thì không phải lờ đi sự tiêu cực (như luật hấp dẫn), mà trực tiếp đối mặt với nó, nhìn thẳng vào vấn đề tiêu cực và xử lý nó.

Luật hấp dẫn có thể làm hỏng cuộc sống của bạn như thế nào?

image 2

Ví dụ có một cô gái muốn làm theo luật hấp dẫn để tìm được người đàn ông lý tưởng. Cô ấy sẽ “gửi các tần số suy nghĩ” đến vũ trụ, rằng cô ấy muốn tìm được một người đàn ông tốt bụng, lãng mạn, chu đáo, hào phóng, đẹp trai.

Một thời gian sau, cô ấy tìm được một chàng trai như vậy. Thế là cô này cảm thấy như đang ở trên 9 tầng mây, cực kỳ hạnh phúc vì luật hấp dẫn đã giúp mình được như ý nguyện.

Nhưng mà làm gì có anh chàng hoàn hảo, anh ta chỉ thể hiện ra những mặt tốt trong giai đoạn tình tứ thôi. Nhân vô thập toàn, con người không có ai là hoàn mỹ, anh ta có thể còn những mặt xấu xa, ích kỷ, thường được che giấu rất kỹ. Cứ cưới nhau đi và cuộc đời sẽ cho bạn câu trả lời.

Có nên tin tưởng vào luật hấp dẫn không?

Đừng tin vào mấy cái lý thuyết đó. Nếu bạn muốn thành công, thì phải lao ra mà làm, phải bỏ ra rất nhiều công sức, phải biết chấp nhận rủi ro nữa. 

Liệu có nên dựa vào luật hấp dẫn để đi đường tắt tới thành công? Thành công không có đường tắt đâu. Nếu bạn muốn thành công với luật hấp dẫn, thì bạn hãy đi mua vé số, rồi làm theo luật hấp dẫn, gửi các “tần số suy nghĩ” để vũ trụ giúp bạn trúng vé số.

Đã có một thời tôi sống trong ảo tưởng luật hấp dẫn, nghĩ lại thấy phát sợ. Có cảm giác bản thân tôi lúc trẻ thật ngu muội, ai nói gì cũng tin, không biết tự phân tích dưới các góc độ khác nhau.

Nhưng cũng thật mừng vì tôi đã thoát khỏi đó thật sớm.

Thỉnh thoảng tôi thấy những sản phẩm Clickbank, kiểu sản phẩm số về luật hấp dẫn, với video quảng cáo tung hô tưng bừng. Vậy mà đó lại là những sản phẩm bán chạy.

Luật hấp dẫn cũng có liên quan đến vấn đề tâm linh. Bản thân tôi từng là một người theo thuyết vô thần, nhưng sau này đã chuyển sang thuyết hữu thần. Tôi chỉ tin vào những thuyết tâm linh mà tôi tự chứng thực được, tự kiểm chứng và phân tích được.

Mà cái luật hấp dẫn này, tôi phân tích nó kiểu nào cũng thấy không ổn.

Ghi chú: tôi không hề bắt các bạn tin theo tôi, ý tôi là cần tư phân tích, chứng thực. Bản thân tôi cũng thường xuyên phải động não, và những điều tôi viết ở bài này thực ra chỉ là một dạng nhận thức, tôi cố gắng viết để cho các bạn hiểu, chứ thực ra còn rất nhiều thứ phức tạp, chẳng thể trình bày rõ ràng.

Cách luật hấp dẫn hoạt động dưới góc nhìn tâm linh

image 3

Dưới góc nhìn tâm linh, thì Luật hấp dẫn có thể giúp bạn đạt được thứ bạn muốn (là thật), nhưng cái gì cũng có giá của nó. Người tin và làm theo luật hấp dẫn kia, sẽ phải tổn hao rất nhiều âm đức.

Nói ra thì nhiều bạn bảo là mê tín, các bạn bảo rằng “muốn học tư duy của người giàu”, chứ không muốn học tư duy mê tín.

Trong sách “nghĩ giàu và làm giàu” của Napoleon Hill, bí mật làm giàu cuối cùng (và mạnh nhất) mà ông ấy chia sẻ, thực ra lại là một phương pháp tâm linh rất lạ.

Ông ấy nói rằng, ông thường mở một hội nghị trong tâm trí, và ở hội nghị ấy có rất nhiều người tham gia, đều là những người tài giỏi hàng đầu thế giới (ông tự tưởng tượng ra hội nghị này).

Và sau một thời gian dài, những người tham gia hội nghị bắt đầu có linh tính, họ có ý thức riêng, họ có thể nói chuyện với Napoleon Hill, giúp ông ấy làm giàu, giúp ông ấy vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Vậy tại sao mấy người mà ông ấy tưởng tượng ra, họ lại có được tư duy độc lập? Nghe thật phi lý hết sức.

Nhưng nếu điều đó thật sự tồn tại, thì ông ấy đang chiêu mời những âm linh đến, và kết nối với những âm linh đó. Mấy âm linh kia giúp đỡ ông ấy, nhưng lại âm thầm lấy đi phước báu của ông ta.

Luật hấp dẫn cũng như vậy, nếu bạn cứ làm theo luật hấp dẫn, tức là cứ nghĩ tưởng rằng bản thân thành công, sống trong tư duy tích cực giả tạo, thì sau một thời gian, các âm linh kia sẽ tới để “giúp” bạn. Và nó sẽ lấy phước báu của bạn, có thể nó sẽ lấy cả tuổi thọ của bạn.

Tổng kết: Tự tẩy não bản thân bằng ảo tưởng tích cực

Tích cực độc hại, ảo tưởng tích cực, chúng đã lây nhiễm như virus vô hình trên toàn thế giới, đặc biệt là ngành công nghiệp self help.

Họ bán sách phát triển bản thân, bán khóa học về phát triển bản thân, người học chưa chắc đã giàu, nhưng người dạy thì thường giàu. Tony Robbin bán mấy khóa học nào là $999, cứ mua đi và bạn sẽ đính thêm mấy cái upsell nữa.

Đời là bể khổ, cho dù là người giàu nhất thế giới thì vẫn sẽ có khổ, Mark Zuckerberg đang đau đầu sau khi thất bại với Meta. Liệu giàu hơn thì có hạnh phúc hơn không? Có. Nhưng vẫn sẽ có khổ, làm người thì phải khổ, không chốn đi đâu được.

Luật hấp dẫn là một giả thuyết sai lầm, nó là chất gây mê giúp giảm bớt đau khổ. Nó là kiểu như thuốc giảm đau, chứ không thể chữa bệnh tận gốc. 

Quyển sách “bí mật luật hấp dẫn” giống phiên bản của TikTok, nó giúp bạn đạt được sự hào hứng nhất thời, nhưng sẽ dần trở lên mệt mỏi, trống rỗng về tinh thần và cảm xúc.

Luật hấp dẫn khá giống đồ ăn nhanh của McDonald, nó dễ ăn và giúp bạn thoải mái. Nhưng ăn nhiều thì sẽ béo và dần trở lên lười biếng về cả tinh thần và cảm xúc. Đạt được sự thoải mái ngắn hạn, nhưng về lâu dài thì thôi rồi.

Cảm ơn bạn đã đọc đến dòng này, tôi đã muốn viết bài để bóc phốt luật hấp dẫn từ lâu, nhưng bây giờ mới có cơ hội chắp bút. Viết bài này, tôi cũng nhìn lại bản thân thời tuổi trẻ, tự cười vào cái sự non nớt của bản thân khi xưa.

Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng Thiên Phong MMO.

Bài viết liên quan:

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}
>