Bán hàng trên Amazon, thì phải chọn sản phẩm bán tốt. Nhưng khi bạn tìm sản phẩm, thì giống như khi đi vào rừng rậm. Đủ mọi thứ xuất hiện, nếu không cẩn thận sẽ bị hoa mắt, chóng mặt và lạc đường.
Nhưng đừng lo, trong bài viết này tôi sẽ hướng dẫn bạn phương pháp đúng cách để tìm sản phẩm bán tốt trên Amazon.
Sau khi đọc xong, bạn sẽ có một “bản đồ”, một phương pháp rõ ràng để bạn có thể làm theo. Đầu tiên tôi viết sơ về phương pháp trước.
Tìm sản phẩm dựa trên số liệu
Đầu tiên, bạn cần dựa vào công cụ và số liệu để tìm ra những sản phẩm bán tốt, không quyết định dựa trên “cảm tính”.
Hãy nhớ rằng, sản phẩm mà bạn lựa chọn sẽ là nền tảng của công việc kinh doanh. Mọi công việc sau này sẽ đều xoay quanh nó. Vậy nên khi chọn sản phẩm, bạn hãy dành ra nhiều thời gian hơn, bình tĩnh phân tích dữ liệu.
Vậy phân tích dữ liệu như thế nào?
Đừng để từ “phân tích dữ liệu” làm cho bạn sợ. Nó không khó như toán học nâng cao đâu, hiện nay đã có những công cụ giúp bạn phân tích từ A đến Z, nó sẽ “bưng” kết quả ra trước mặt bạn.
Sử dụng công cụ nghiên cứu sản phẩm
Đương nhiên bạn cũng có thể tự nghiên cứu sản phẩm mà không cần công cụ. Nhưng nếu có công cụ thì sẽ tiện lợi hơn rất nhiều.
Thợ xây có công cụ của thợ xây, thợ mộc có công cụ của thợ mộc, công nhân có công cụ của công nhân. Công cụ càng mạnh, bạn càng có thể làm nhanh, và làm tốt hơn.
Trong bài viết này, tôi sẽ sử dụng công cụ Jungle Scout làm ví dụ, bởi vì đây là công cụ rất toàn diện, rất cần thiết khi bạn kinh doanh trên Amazon.
Jungle Scout cung cấp kho dữ liệu khổng lồ, cùng với Chrome Extension, nhanh chóng đưa ra dữ liệu giúp bạn dễ dàng hơn khi chọn sản phẩm.
Với công cụ này, bạn có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, chứ không dựa trên cảm tính.
Ghi chú: Đường link giảm giá của Jungle Scout. Bấm vào đây để xem.
Giới thiệu về kho dữ liệu của Jungle Scout
Họ đẩy tất cả thông tin sản phẩm trên Amazon vào kho dữ liệu này. Và bạn có thể tìm kiếm, sử dụng các bộ lọc nâng cao.
Đầu tiên, bạn hãy chọn quốc gia mà bạn muốn bán. Ở đây tôi đề xuất bạn nên chọn Mỹ (United States) bởi vì đó là thị trường lớn nhất.
Sau đó hãy chọn danh mục sản phẩm mà bạn muốn bán:
Mục Product Tier, bạn có thể chọn Standard (kích thước thông thường) hoặc chọn Oversize (kích thước lớn). Thông thường sẽ chọn standard khi làm với Amazon FBA.
Với mục Seller Type, có 3 lựa chọn. Ở đây chúng ta đang tìm sản phẩm để bán, vậy nên bạn có thể không chọn mục Seller Type này.
Bí quyết: Nếu bạn chọn chỗ Amazon, thì công cụ sẽ lọc và tìm ra cho bạn những sản phẩm được bán bởi chính Amazon. Hãy tránh cạnh tranh với những sản phẩm này.
Ngay bên dưới, bạn sẽ thấy mục “Filter”, đây là “bộ lọc”, bạn có thể điền thông tin vào và nó sẽ lọc sản phẩm cho bạn.
Bạn có thể lọc theo mức giá, doanh số, lượng đánh giá, doanh thu, trọng lượng sản phẩm…
Ngay bên dưới là mục từ khóa, bạn có thể điền từ khoá vào mục Include Keywords, và công cụ sẽ lọc ra những sản phẩm với từ khoá đó.
Bạn cũng có thể dùng chức năng “Exclude Keywords” để công cụ giúp loại ra những sản phẩm với những từ khoá loại trừ này. Ví dụ bạn không muốn bán sản phẩm liên quan đến covid, thì bạn có thể điền từ khoá như Mask, Covid vào mục này:
Sau khi lọc, công cụ sẽ cho bạn kết quả:
Chrome Extension của Jungle Scout
Với Chrome Extension, bạn sẽ thấy kết quả trực quan ngay trên trang tìm kiếm của Amazon. Bạn có thể vào Amazon.com, sau đó tìm kiếm với ý tưởng sản phẩm.
Sau đó bạn sẽ thấy rất nhiều thông tin được Jungle Scout hiển thị ngay bên dưới sản phẩm, như là doanh số hàng ngày, hàng tháng, thương hiệu, doanh thu, lợi nhuận ròng:
Đó là một lợi thế khi sử dụng công cụ Jungle Scout. Bây giờ chúng ta sẽ nói về cách tìm sản phẩm phù hợp nhất để bán và kiếm lợi nhuận.
6 tiêu chí khi chọn sản phẩm để bán trên Amazon
Vậy như thế nào là một sản phẩm tốt? Sản phẩm tốt (đối với bạn) là sản phẩm có tiềm năng lợi nhuận dựa trên 6 tiêu chí sau:
Sản phẩm có nhu cầu mua hàng cao
Đây là tiêu chí quan trọng nhất, bạn cần tìm hiểu xem người ta có “thật sự” cần và muốn mua sản phẩm hay không, và họ có đang những loại sản phẩm này từ Amazon không.
Bạn cần tìm những loại sản phẩm bán tốt trên Amazon, dựa trên số liệu. Không nên dựa trên cảm xúc.
Vậy như thế nào là “nhu cầu cao”? Cao là cao như thế nào?
Với công cụ Jungle Scout, bạn có thể lọc tìm sản phẩm theo doanh số. Tôi đề nghị hãy lọc tìm những sản phẩm có trên 300 sale một tháng, tức là khoảng 10 sale một ngày.
Sản phẩm ít cạnh tranh
Bạn cần tìm sản phẩm có nhu cầu cao, nhưng lại ít cạnh tranh. Như vậy bạn mới có cơ hội “chen” vào để kiếm lợi nhuận.
Vậy “ít cạnh tranh” là như thế nào?
Bạn hãy nhìn vào số sao trong phần đánh giá của các sản phẩm đang có trên Amazon. Nếu sản phẩm của đối thủ có ít đánh giá nhưng vẫn bán tốt, thì đó là dấu hiệu của sản phẩm ít cạnh tranh.
Như vậy một sản phẩm mới mà bạn đăng lên sẽ có thể dễ dàng cạnh tranh với họ.
Trong kho dữ liệu của Jungle Scout, bạn có thể cho công cụ lọc tìm những sản phẩm có tối đa 100 review:
Sản phẩm lợi nhuận cao
Một kinh nghiệm quan trọng, là bạn nên bán sản phẩm từ khoảng $20 – $70, để có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận tốt.
Nếu bán sản phẩm dưới $20, thì tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Nếu bán trên $70, thì người ta sẽ khó mua, nếu không phải thương hiệu mà họ quen thuộc, thì họ sẽ khó tin tưởng.
Ở phần dữ liệu của Jungle Scout, bạn có thể cho công cụ lọc theo giá sản phẩm.
Sản phẩm có không gian cải tiến
Khi bán hàng trên Amazon, bạn nên tìm những sản phẩm có không gian cải tiến, tức là bạn sẽ cải tiến để có thể tốt hơn so với đối thủ.
Ở bộ lọc của Jungle Scout, chúng ta sẽ lọc theo số sao đánh giá (rating). Các sản phẩm trên Amazon được đánh giá theo số sao, từ 1 – 5 sao:
Với bộ lọc của Jungle Scout, chúng ta sẽ lọc ra những sản phẩm có tối đa là 3 sao:
Công cụ sẽ cho chúng ta thấy những sản phẩm được đánh giá tương đối tệ trên Amazon. Đó là những sản phẩm bán tốt, cho dù chúng được đánh giá tệ.
Sau khi bạn tìm được sản phẩm tiềm năng, thì bạn có thể mở trang sản phẩm và đọc các đánh giá 1, 2 và 3 sao đó. Và đó là những điều mà khách hàng không thích về sản phẩm:
Có thể đủ mọi lý do như mà sắc, chất liệu, kích thước, chức năng. Sau đó bạn sẽ lấy những thông tin này, và cho nhà cung cấp sản phẩm biết để họ sửa chữa. Để bạn có thể đem đến một sản phẩm được cải tiền.
Sản phẩm không gặp vấn đề pháp lý
Đầu tiên phải nói trước, tôi không phải luật sư. Nhưng đây là vấn đề quan trọng nên sẽ cần đề cập đến.
Đầu tiên bạn cần tự hỏi: “sản phẩm này có bằng sáng chế không?” Vì bạn không thể bán sản phẩm đã có bằng sáng chế.
Bằng sáng chế, có nghĩa là có người đã sở hữu quyền hạn về mẫu thiết kế, hoặc một số chức năng.
Cách chuẩn xác nhất để biết đó là thuê luật sư. Nhưng một số bí quyết để có thể biết nhanh chóng, đó là tìm kiếm với cấu trúc “tên sản phẩm + patent”, ví dụ:
Bạn cũng có thể kiểm tra các Listing trên Amazon, để xem họ có nói gì đến Patent (bằng sáng chế) hay không, ví dụ:
Nếu sản phẩm đã có bằng sáng chế, bạn sẽ thấy mã số patent trên bao bì.
Bạn cũng có thể kiểm tra xem có nhiều người khác đang cùng bán một loại sản phẩm không. Nếu đúng như vậy, thì có thể là đã có bằng sáng chế.
Với sản phẩm đã có bằng sáng chế, bạn sẽ không thể làm với phương pháp Private Label.
Một yếu tố nữa cần kiểm tra, đó là “nợ ẩn”.
Sản phẩm có nợ ẩn
Liệu người ta có dễ dàng bị đau, bị tổn thương khi sử dụng sản phẩm không? Ví dụ những sản phẩm bôi trên da, thực phẩm chức năng, sản phẩm dễ cháy nổ…
Sản phẩm có nhãn hiệu – Trademark
Bạn có thể tìm kiếm dữ liệu nhãn hiệu từ USPTO, hoặc Trademarkia. Để xem nhãn hiệu sản phẩm đã tồn tại hay chưa.
Bạn cũng có thể xem xét, xem liệu Amazon FBA có cấm bán những loại sản phẩm nào không, ví dụ:
Khi bạn đã có tài khoản Seller Central. Bạn có thể tạo link, điền tên sản phẩm vào để xem thử. Sau đó bấm vào chữ “show limitations”, và Amazon sẽ cho bạn biết họ có cấm sản phẩm hay không:
Sản phẩm dễ bán
Với sản phẩm đầu tiên, bạn nên chọn những sản phẩm ít đau đầu. Đó là những sản phẩm đơn giản, dễ làm tại nhà máy.
Hạn chế bán những sản phẩm có nhiều bộ phận rời, hoặc sản phẩm dễ vỡ.
Bạn cũng cần những sản phẩm nhỏ, nhẹ. Bởi vì chúng dễ vận chuyển, giá vận chuyển rẻ hơn, và tốn ít chi phí Amazon hơn.
Làm đơn giản càng tốt, hãy tự hỏi:
- Sản phẩm có dễ vỡ không
- Sản phẩm có dễ bị trả hàng không
- Sản phẩm có khó sử dụng không
- Sản phẩm có bền không
- Sản phẩm có dễ dính đánh giá tiêu cực không
- Sản phẩm có cồng kềnh không
Hãy nghiên cứu sản phẩm, làm càng nhiều thì bạn càng quen tay. Bạn sẽ càng dễ nhớ nội dung bài học này hơn.
Chiến thuật nghiên cứu sản phẩm trên Amazon
Bây giờ bạn đã biết những tiêu chí khi chọn sản phẩm tiềm năng, sản phẩm bán tốt. Bạn hãy dùng kho dữ liệu của Jungle Scout, để nhanh chóng tìm được ý tưởng sản phẩm.
Tóm lại, bạn chỉ cần tìm sản phẩm có ít nhất 300 sale một tháng, có dưới 100 review, giá từ $20 – $70, và có tối đa 3 sao đánh giá.
Sau đó bấm tìm kiếm, công cụ sẽ cho bạn thông tin về các sản phẩm phù hợp với tiêu chí đó:
Tiếp theo bạn sẽ cần chọn sản phẩm, và phân tích thị trường xung quanh sản phẩm đó. Bạn có thể điền tên sản phẩm vào ô tìm kiếm trên Amazon.
Chúng ta sẽ xem xét nhu cầu, và mức độ cạnh tranh của danh mục sản phẩm. Cơ bản, bạn chỉ cần tập trung vào 10 sản phẩm đang đứng top ở trang 1.
Bởi vì đa số khách hàng thường chỉ xem trang 1 khi họ tìm kiếm sản phẩm trên Amazon. Vậy nên bạn cần tránh trường hợp có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, vì sẽ khó lên top.
Tuy nhiên, bạn cũng cần đảm bảo rằng sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao. Để ngay cả khi bạn chỉ đứng top 3, 4, thì vẫn có thể kiếm tiền tốt.
Với mục Rating Number, bạn nên đảm bảo rằng 10 sản phẩm đứng top đang có khoảng tổng cộng 500 review. Và tốt nhất là có từ 3 – 5 sản phẩm có ít hơn 50 review.
Để xác định danh mục sản phẩm nhu cầu cao hay không, thì nếu top 10 sản phẩm có khoảng 3000 đơn hàng mỗi tháng là ổn (tức là 300 sale với một sản phẩm).
Khi bạn đã xác nhận được điều đó, thì bạn cần đảm bảo các đơn hàng được chia đều với 10 sản phẩm đó.
Nếu chỉ có 1 – 2 sản phẩm đang nhận được đa số sale, thì có lẽ bạn nên bỏ qua ý tưởn sản phẩm này, bởi vì khách hàng chỉ muốn mua từ hai Listing đứng đầu đó.
Có nghĩa là nếu bạn rank được vào top 8, 9 hoặc 10, thì vẫn còn một chặng đường dài để leo lên top 1 hoặc 2.
Chọn sản phẩm có thể tạo thương hiệu
Đó là những loại sản phẩm liên quan với nhau, để sau này bạn dể có thể tạo bộ sản phẩm, dễ tạo một dòng sản phẩm có thương hiệu.
Với một shop trên Amazon, thì kiểu bán “tạp hóa” như ở Việt Nam là không hợp. Khi người ta vào cửa hàng của bạn, họ sẽ thấy hàng loạt sản phẩm hỗn loạn lộn xộn thì không được.
Một chiến thuật với Amazon FBA đó là tạo thương hiệu, tạo một dòng sản phẩm. Tức là bạn chỉ bán những sản phẩm liên quan với nhau. Khi người ta vào xem trang cửa hàng, họ sẽ thấy các sản phẩm tương tự được bày bán rất ngăn nắp.
Chú ý: Chọn sản phẩm Amazon FBA khác với chọn sản phẩm dropshipping
Nếu bạn xem các video YouTube về dropshipping, bạn sẽ thấy nhiều người bảo là phải làm theo trends, phải tìm sản phẩm xu hướng.
Đó là bởi vì khi làm dropshipping, bạn sẽ phải cạnh tranh trực diện với Amazon, vậy nên cần sản phẩm độc, lạ thì mới có thể kinh doanh được.
Nhưng khi bán hàng trên Amazon, bạn sẽ có thể “dựa lưng” vào thương hiệu của Amazon, vậy nên mục tiêu của chúng ta là xây dựng một công việc kinh doanh bền vững, để bạn có thể bán hàng và kiếm tiền thụ động trong vài năm, chỉ với một dòng sản phẩm.
Vì vậy, khi nghiên cứu sản phẩm, hãy định ra một dòng sản phẩm tiềm năng mà bạn có thể cạnh tranh, từ đó dần dần tạo thương hiệu mạnh mẽ.
Chú ý: hai loại chi phí chính khi bán hàng trên Amazon
Để duy trì lợi nhuận, hãy chú ý đến 2 các loại phí khi bán trên Amazon:
Landed Cost: Chi phí mua sản phẩm, và chi phí gửi sản phẩm đến Amazon.
Amazon Fee: Phí trên Amazon.
Đây là hai loại chi phí chính, có ảnh hưởng lớn đến tỷ suất lợi nhuận.
Với phí trên Amazon, thì đầu tiên có một loại phí là Referal Fee (phí giới thiệu). Amazon tính phí bởi vì họ dẫn khách hàng đến và bán hàng cho bạn.
Thông thường họ tính phí 15% giá bán sản phẩm. Cũng rất rẻ so với những gì mà Amazon mang lại.
Còn nếu bạn dùng Amazon FBA, thì thay vì trả Referal Fee như trên, bạn sẽ phải trả FBA Fee. Nó phụ thuộc vào khối lượng, kích thước sản phẩm, và quốc gia mà bạn bán hàng.
Ngoài ra, còn có những loại chi phí khác như:
Long Term Storage Fee: Nếu bạn có sản phẩm để trong kho của Amazon nhiều hơn 1 năm (mà không bán được), thì họ sẽ tính phí này.
Seller Central Fee: Để tạo có tài khoản Seller và bán được trên Amazon, thì họ còn tính thêm mức phí $40 một tháng.
Tóm lại: Có hai loại chi phí ảnh hưởng lớn đến tỷ suất lợi nhuận: Landed Cost và Amazon Fee.
Để biết bạn có đang lợi nhuận hay không, thì bạn cần tính được ROI (chi phí hoàn vốn). Mục tiêu là đạt được ít nhất 100% ROI. Tức là bạn bỏ ra một đồng, và thu về 2 đồng.
Để có thể tính toán rõ ràng, hãy cân nhắc 3 yếu tố chính: Landed Cost, Amazon Fee, Và lợi nhuận thu về.
Bạn hãy tính toán sao cho giá sản phẩm được chia làm 3 phần: 1 phần lợi nhuận, một phần Amazon fee, một phần landed cost.
Để dễ dàng tính toán, bạn có thể dùng công cụ tính toán lợi nhuận Amazon FBA của Jungle Scout. Bạn chỉ cần bấm vào số tiền ở mục “Net”, nó sẽ hiện lên công cụ tính toán:
Ví dụ với sản phẩm này, thì FBA Fee của Amazon là $7.51. Như vậy, để nhắm tới 100% ROI, thì chi phí Landed cost sẽ khoảng $7.
Bạn hãy điền số 7 vào ô Product cost. Bấm dấu check, và công cụ sẽ tính cho bạn mức lợi nhuận, kết quả là $6.76:
Nếu chi phí landed cost cao hơn mức này, thì bạn nên chuyển sang sản phẩm khác. Bởi vì lợi nhuận thấp thì bạn sẽ khó cạnh tranh, và còn nhiều rủi ro nữa.
Kinh nghiệm: Bán theo bộ sản phẩm (bundle)
Nếu bạn nhìn vào trang sản phẩm (Listing) trên Amazon, bạn sẽ thường thấy có những “bộ sản phẩm” mà người ta thường mua chung với nhau.
Nếu bạn thấy có sản phẩm được Amazon đề xuất ở nhiều trang sản phẩm (Listing), thì một ý tưởng đó là tạo một bộ sản phẩm để bán gộp.
Khách hàng sẽ tiện lợi hơn khi mua được cả bộ sản phẩm mà họ muốn (với giá rẻ hơn), và đây cũng là cơ hội để bạn có thể nổi bật hơn đối thủ, và có cơ hội lợi nhuận cao hơn.
Tóm tắt kiến thức
Quy trình tìm sản phẩm tiềm năng có thể khá khó, vậy nên bạn có thể tạo check list để dễ ghi nhớ. Dưới đây là tóm tắt các bước:
- Dùng công cụ nghiên cứu, truy cập kho dữ liệu.
- Chọn sản phẩm phù hợp 6 tiêu chí: nhu cầu cao, ít cạnh tranh, lợi nhuận cao, khả năng, cải tiến, không có vấn đề pháp lý, và dễ bán.
- Dùng công cụ tính toán lợi nhuận, dự đoán Landed cost và Amazon fee
Nhớ rằng với sản phẩm mà bạn chọn, nó không cần phù hợp với tất cả tiêu chí mà tôi đã nêu ra. Bạn cần tự đưa ra quyết định dựa trên nguồn lực.
Nếu nguồn lực lớn, hãy chọn sản phẩm có mức cạnh tranh cao, và khó hơn, nhưng lợi nhuận cao hơn. Nếu nguồn lực nhỏ, hãy chọn sản phẩm ít cạnh tranh, nhưng có thể lợi nhuận thấp.
Ngoài ra, đừng bị kẹt quá lâu với việc nghiên cứu sản phẩm. Tốn cả tháng để chọn một sản phẩm là không ổn, hãy nhanh nhanh chóng hơn.
Bạn thật giỏi khi đã đọc hết được bài viết này, hãy tiếp tục tiến tới các bài học tiếp theo nhé.