Làm affiliate, bạn sẽ thấy một điều lặp đi lặp lại.
Có người chạy quảng cáo ra đơn, người khác thấy quảng cáo đó, lấy landing page của họ, copy gần như y chang, và… bật ads.
Có thể lời. Cũng có thể lỗ.
Nhưng vấn đề không phải là lời hay lỗ.
Vấn đề là không biết vì sao nó hiệu quả – hay vì sao nó thất bại.
Chỉ đang “xài ké” một thứ gì đó mà người khác đã test, đã tối ưu, đã nhắm đúng insight.
Và như thế, bạn chỉ là một phiên bản mờ nhạt. Không có điểm riêng. Không có sự chủ động. Không thể scale. Không thể nhân bản.
Nếu không hiểu rõ cấu trúc landing page ảnh hưởng thế nào đến hành vi người dùng, thì việc tối ưu chỉ là mò mẫm.
Một mô hình có thể thay đổi cách nhìn – và cách làm – đó là LIFT.
Không phải mẹo vặt. Không phải checklist kỹ thuật. Mà là một hệ thống để bạn nhìn landing page bằng lăng kính của người đọc – hiểu họ muốn gì, sợ gì, và cần gì để hành động.
Giới thiệu tổng quan mô hình LIFT
LIFT là viết tắt của 6 yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi trên landing page.
Gồm có:
- Value Proposition – Giá trị bạn mang lại
- Relevance – Tính liên quan
- Clarity – Độ rõ ràng, minh bạch
- Urgency – Mức độ khẩn cấp
- Anxiety – Nỗi lo sợ
- Distraction – Sự xao nhãng
Bốn yếu tố đầu tiên là thứ bạn cần tăng lên. Hai yếu tố cuối là thứ bạn cần giảm bớt.
Nghe có vẻ đơn giản. Nhưng đừng vội đánh giá thấp mô hình này.
Bởi vì nó không chỉ nói cho bạn biết landing page đang yếu ở đâu. Nó còn chỉ đường cho bạn biết cách split-test đúng chỗ, đúng thời điểm.
Đa số affiliate khi tối ưu landing page, thì nghĩ đến headline, màu nút, thêm review, đổi ảnh…
Nhưng đó chỉ là bề mặt.
Nếu bạn không hiểu cái gì đang cản trở khách hàng hành động, thì bạn đang sửa một cách mù mờ. Chẳng khác gì chơi trò đoán mò.
Người ta không mua hàng chỉ vì bạn dùng từ ngữ hấp dẫn. Họ chỉ hành động khi cảm thấy đủ an tâm – đủ động lực – và không bị sao nhãng.
LIFT giúp bạn nhìn thấy những điểm đó rõ ràng hơn.
Đọc thêm: You Should Test That! – Chris Goward
Áp dụng yếu tố LIFT vào trong affiliate marketing
Mỗi landing page là một cuộc thương lượng thầm lặng.
Bạn không nói chuyện trực tiếp với khách hàng, không có cơ hội phản hồi khi họ do dự. Mọi thứ bạn muốn truyền đạt – giá trị, lý do hành động, sự tin tưởng – đều phải thể hiện rõ ràng trên một trang duy nhất.
Đó là lý do bạn cần một mô hình để kiểm tra từng chi tiết: dòng chữ, hình ảnh, call-to-action, thậm chí cả khoảng trắng.
Và LIFT là mô hình đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả cho việc đó.
Chúng ta sẽ bắt đầu với yếu tố đầu tiên: Value Proposition

Tăng giá trị cảm nhận (Value Proposition)
Đây là yếu tố cốt lõi. Không có giá trị, thì tất cả những thứ khác – khẩn cấp, tin cậy, layout đẹp – cũng chỉ là trang trí.
Câu hỏi đơn giản:
Khách hàng sẽ nhận được gì nếu họ hành động trên landing page của bạn?
Không phải bạn nghĩ họ nhận được gì. Mà là họ cảm thấy họ sẽ nhận được gì.
Một cách suy nghĩ kinh điển:
Giá trị cảm nhận = Lợi ích – Chi phí
(Cost không chỉ là tiền, mà còn là thời gian, công sức, rủi ro, và cả sự nghi ngờ trong lòng)
Trong affiliate marketing, bạn không sở hữu sản phẩm. Nhưng bạn vẫn phải “bán” nó bằng một góc nhìn đủ mạnh – đủ khác biệt – để khách thấy đáng bấm nút.
Đó là lý do vì sao angle quan trọng đến vậy.
Cùng một sản phẩm giảm cân, nhưng bạn có thể tạo 3 angle khác nhau:
- “Giảm 7kg trong 14 ngày – không cần tập thể dục”
- “Thải độc và giảm mỡ bụng bằng thảo dược tự nhiên”
- “Lý do các bà mẹ sau sinh đang truyền tai nhau loại trà này”
Cả ba cách nói đều hướng tới sản phẩm. Nhưng mỗi angle sẽ đánh trúng một nhóm nỗi đau riêng.
Giá trị là thứ bạn xây dựng bằng cách hiểu người đọc, nói đúng thứ họ muốn, và làm họ thấy được kết quả trước khi họ mua.
Một landing page tốt là landing page khiến người đọc nghĩ:
“Cái này đúng là dành cho mình – mình cần nó ngay bây giờ.”

Tăng tính liên quan (Relevance)
Đây là một lỗi cực kỳ phổ biến – và cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chiến dịch affiliate không ra đơn, dù landing page trông “có vẻ ổn”.
Bạn viết một mẫu quảng cáo A, người ta click vào vì họ kỳ vọng A. Nhưng khi đến landing page, lại thấy nội dung B.
Và họ out.
Người dùng không nói cho bạn biết tại sao. Họ chỉ rời đi. Không quay lại.
Bạn thấy CPC rẻ, traffic đổ về đều, mà không hiểu vì sao không có chuyển đổi.
Rất nhiều affiliate mắc lỗi này. Mọi thứ đều “tốt” – mẫu quảng cáo ổn, landing page cũng đẹp – nhưng chúng không liên quan tới nhau. Không ăn nhập gì với nhau.
Một khi người đọc cảm thấy “nó không giống những gì tôi vừa click vào”, thì mối liên kết đã đứt gãy. Và lúc đó, bạn mất tiền quảng cáo. Vĩnh viễn.
Vậy làm sao để tăng tính liên quan?
1. Chú ý đến sự liên quan của Angle – Mẫu quảng cáo – landing page
Nếu mẫu quảng cáo nói về “giảm cân không cần tập gym”, thì tiêu đề trên landing page không thể là “giảm cân toàn diện cho sức khỏe bền vững”.
Người ta click vào vì họ muốn giảm cân dễ dàng.
Đừng bắt họ đọc một bài giáo huấn về sức khỏe toàn diện.
2. Nhất quán về ngôn ngữ và cảm xúc
Mẫu quảng cáo dùng từ ngữ vui vẻ, đơn giản – mà landing page lại nghiêm túc, hàn lâm – cũng là mất liên quan.
Quảng cáo hứa “giải pháp cho người bận rộn” – mà landing page lại dài lê thê, toàn chữ là chữ – thì bạn đang làm không đúng với kỳ vọng của người dùng.
3. Đặt mình vào vai trò người đọc
Khi nhìn vào tiêu đề landing page, hãy tự hỏi:
“Nếu tôi click vào mẫu quảng cáo kia, thì dòng này có đúng điều tôi đang chờ đợi không?”
Tăng tính liên quan không đòi hỏi bạn phải thông minh hơn. Chỉ cần bạn đặt trải nghiệm người đọc lên trước cái tôi của mình.
Landing page tốt là trang khiến người đọc gật đầu ngay từ dòng đầu tiên:
“Ừ, đúng cái này nè.”

Tăng tính minh bạch (Clarity)
Rất nhiều landing page thất bại không phải vì offer dở, không phải vì angle sai – mà đơn giản là… người đọc không hiểu bạn đang nói gì.
Có một nghịch lý thế này:
Người mới làm affiliate thì viết quá sơ sài. Người làm lâu năm thì viết quá phức tạp.
Một bên không đủ thông tin để thuyết phục. Bên kia lại khiến người đọc bối rối vì phải suy đoán quá nhiều.
Kết quả giống nhau: không ai hành động.
Minh bạch không có nghĩa là đơn giản hóa thông tin.
Minh bạch nghĩa là truyền tải đúng thông điệp, theo cách dễ hiểu nhất.
Làm sao để tăng độ rõ ràng cho landing page?
1. Viết như thể bạn đang giải thích cho học sinh lớp 5
Tránh từ chuyên môn. Tránh câu dài. Tránh kiểu văn “rối chữ”.
Ví dụ:
Không nên viết: “Công thức kết hợp hoạt chất sinh học từ thiên nhiên nhằm tăng cường chuyển hóa lipid trong cơ thể.”
Hãy viết: “Giúp cơ thể đốt mỡ thừa nhanh hơn nhờ chiết xuất từ thảo mộc.”
Người ta không cần ấn tượng với vốn từ của bạn. Họ cần hiểu – càng nhanh càng tốt.
2. Đừng để khách hàng phải đoán
Vừa vào trang, họ phải biết ngay:
- Đây là sản phẩm gì?
- Dành cho ai?
- Giúp giải quyết vấn đề gì?
- Tiếp theo tôi nên làm gì?
Nếu mất 10 giây mà họ vẫn chưa biết bạn đang bán cái gì, thì nhiều người sẽ bỏ và tiếp tục lướt Facebook, Reddit…
3. Mỗi phần trên trang cần có lý do tồn tại
Hãy nhìn lại landing page của bạn và tự hỏi:
“Yếu tố này có giúp tăng chuyển đổi không?”
Nếu không – xóa đi. Đừng tiếc.
Một nút, một dòng chữ, một hình ảnh – nếu nó không làm rõ thêm điệp, thì chỉ làm loãng sự chú ý.
Bạn không cần một landing page “ấn tượng”. Bạn cần một landing page thật sự đơn giản, dễ hiểu, nhìn cái là biết ngay.
Nếu người ta mơ hồ thì họ sẽ không hành động đâu.

Tăng tính khẩn cấp (Urgency)
Con người thường không ra quyết định chỉ vì họ thấy hợp lý.
Họ ra quyết định khi cảm thấy không còn thời gian để chần chừ.
Bạn có thể trình bày một landing page rõ ràng, đầy đủ lợi ích, giá tốt, thiết kế chuyên nghiệp — nhưng nếu không tạo ra cảm giác “nếu không làm ngay thì sẽ mất cơ hội”, thì người đọc vẫn sẽ để đó… rồi quên luôn.
Chúng ta đều như vậy.
Cần thay thẻ ngân hàng? Để mai.
Đăng ký khoá học sớm được giảm giá? Để mai.
Sản phẩm đang sale? Để mai.
Và rồi, không có ngày mai nào cả.
Vậy làm sao để tăng tính khẩn cấp cho landing page?
1. Đưa ra giới hạn thời gian — nhưng phải hợp lý
Bạn có thể thiết kế một cái đồng hồ đếm ngược trên landing page. Nhưng nếu dùng mà không giải thích lý do, nó sẽ phản tác dụng.
“Giảm giá chỉ trong 5 phút nữa!”
→ Người dùng sẽ nghĩ: “Tôi bấm F5 là nó đếm lại từ đầu thôi mà.”
Nếu muốn đồng hồ có tác dụng, bạn phải giải thích vì sao, ví dụ như:
“Khuyến mãi chỉ áp dụng cho 100 đơn hàng đầu tiên hôm nay.”
Hoặc: “Ưu đãi chỉ áp dụng trong tuần lễ sinh nhật của ABC.”
Lý do càng thật – urgency càng mạnh.
2. Giới hạn số lượng hoặc đối tượng
Người ta luôn muốn có thứ mà không phải ai cũng có.
- “Chỉ dành cho người mua lần đầu”
- “Chỉ áp dụng cho khách hàng từ [Việt Nam]”
- “Còn 7 sản phẩm trong kho”
Bạn không cần nói dối. Chỉ cần tìm đúng một lý do làm sản phẩm có giới hạn, và làm nó nổi bật.
Thủ thuật: Nếu bạn chạy chiến dịch quốc tế, bạn có thể chỉnh mã để web tự nhận diện vị trí của khách hàng.
- Khách truy từ HCM -> Chỉ áp dụng cho khách hàng từ [HCM]
- Khách truy từ Bình Dương -> Chỉ áp dụng cho khách hàng từ [Bình Dương]
- Khách truy từ Nam Định -> Chỉ áp dụng cho khách hàng từ [Nam Định]
3. Ghép urgency với hành động cụ thể
Thay vì nói: “Nhanh lên kẻo hết!”
Hãy nói: “Click ‘Mua ngay’ trước 12h đêm để nhận quà tặng.”
Cảm giác “không hành động thì sẽ mất” phải được gắn liền với hành động rõ ràng.
Tăng tính khẩn cấp không phải là để dọa người.
Nó là lời nhắc rằng: “Đây là lúc tốt nhất để hành động.”
Nếu bạn không tạo được cảm giác đó, người ta sẽ nghĩ: “Để mai tính.”
Và trong affiliate marketing, “mai” = không bao giờ.

Giảm xao nhãng (Distraction)
Một landing page tốt không cần làm nhiều thứ.
Nó chỉ cần làm một việc duy nhất – và làm việc đó thật tốt.
Vấn đề là: rất nhiều người làm affiliate lại cố gắng làm quá nhiều thứ cùng lúc trên landing page.
- Vừa giới thiệu sản phẩm
- Vừa kể câu chuyện thương hiệu
- Vừa kêu gọi chia sẻ
- Vừa chèn banner giảm giá 20% cho sản phẩm khác
- Vừa hiện pop-up tặng ebook
Cuối cùng, người đọc không biết phải tập trung vào đâu.
Và khi sự chú ý bị chia nhỏ, thì chuyển đổi cũng vậy.
Câu hỏi đơn giản: Người đọc cần làm gì tiếp theo?
Nếu bạn không thể trả lời trong 3 giây, landing page đang có vấn đề.
Làm sao để giảm xao nhãng?
1. Loại bỏ tất cả những gì không phục vụ cho hành động chính
Nếu mục tiêu là thu email, thì mọi thứ khác — like fanpage, giới thiệu sản phẩm khác, popup mời xem video — nên gỡ bỏ.
Càng ít lựa chọn, tỉ lệ hành động càng cao.
2. Thiết kế giao diện đơn giản (tối giản)
- Menu: Gồm 1–3 anchor link trỏ về CTA hoặc phần lợi ích quan trọng
- Sidebar: Có thể không dùng, hoặc dùng để chèn thông tin sản phẩm
- Không đặt quá nhiều CTA phụ bên dưới
- Dùng khoảng trắng hợp lý để dẫn ánh nhìn
Giao diện landing page nên giống như hành lang một chiều.
Không có ngã rẽ. Không có đường vòng.
3. Tránh “đánh bóng” quá đà
Bạn không cần hiệu ứng bay lượn, không cần background video 4K siêu nghệ thuật.
Nếu những thứ đó không làm rõ thông điệp hoặc không dẫn tới hành động – thì nó chỉ đang làm rối thêm.
Giảm xao nhãng không phải là làm cho trang “trống”
Mà là làm cho trang rõ ràng đến mức không ai bị phân tâm.
Đọc xong landing page, người dùng chỉ nên có một ý nghĩ:
“Bấm vào nút này.”
Chứ không phải: “Để xem có gì hay ho nữa không…”

Giảm lo ngại (Anxiety)
Landing page là nơi bạn yêu cầu người lạ… hành động.
Điền thông tin cá nhân (tên, email).
Click vào một đường link mà họ chưa từng nghe tới.
Trong thời đại lừa đảo tràn lan, bạn nghĩ điều đó dễ sao?
Không dễ. Rất khó.
Và người ta đang sợ.
Họ không nói ra, nhưng trong đầu họ luôn có một danh sách ngầm:
- Liệu mình có bị mất tiền không?
- Có ai từng bị lừa với sản phẩm này chưa?
- Trang này có thật không, hay chỉ là chiêu trò?
- Nhập email rồi có bị spam không?
Nếu bạn không chủ động giảm lo ngại, thì sự nghi ngờ sẽ âm thầm làm giảm chuyển đổi của bạn.
Vậy làm sao để làm khách hàng bớt lo?
1. Thêm bằng chứng xã hội (Social Proof)
Con người tin người khác. Nhất là khi những người đó “giống mình”. Vậy nên, bạn có thể thêm một số yếu tố trên landing page để
- Hiển thị số người đã mua / đăng ký
- Cho thấy phản hồi thật từ người thật (Testimonials)
- Nếu có thể: dùng ảnh, tên, hoặc video ngắn
Cảnh báo: Nhiều affiliate dùng review giả để tăng chuyển đổi – nhưng đó là con dao hai lưỡi.
Bạn có thể kiếm được vài đơn ban đầu. Nhưng nếu advertiser phát hiện bạn đang “chơi chiêu”, thì tài khoản sẽ bị khóa, hoa hồng bị giữ lại, và cả campaign sẽ sụp đổ.
Uy tín là tài sản quý giá trong affiliate marketing. Đừng đánh đổi nó để kiếm vài tiền ngắn hạn.
2. Dùng trust seals và bảo chứng rõ ràng
Nếu bạn quảng bá offer của một công ty lớn, hãy hiển thị logo của họ.
Nếu có bảo hành hoàn tiền, hãy nói rõ chính sách.
Đây không phải để “trang trí” cho đẹp.
Đây là để người đọc thở phào và nói:
“Ồ, ít ra trang web này có vẻ đáng tin cậy.”
3. Đơn giản hóa bước hành động
Nếu bạn làm landing page để thu email, thì cần càng đơn giản càng tốt. Tại vì:
Càng nhiều trường form → càng dễ bị nghi ngờ.
Càng nhiều bước → càng dễ bỏ cuộc.
Nếu chỉ cần email thì đừng bắt họ nhập họ tên, số điện thoại, giới tính, nơi sinh sống…
Người ta cũng không phản đối. Họ chỉ… không làm gì cả, rồi thoát trang.
Nhiệm vụ của bạn là xóa bỏ từng rào chắn trong lòng họ –
để hành động trở nên dễ dàng, tự nhiên, và ít rủi ro nhất có thể.
Những dòng cuối cùng…
Một landing page không phải là nơi bạn “trưng bày thông tin”.
Nó là nơi bạn thuyết phục người lạ hành động – chỉ bằng chữ, hình ảnh, và vài giây đầu tiên.
Đó là một bài toán tâm lý, không phải trò chơi màu sắc.
Và nếu bạn không biết nên sửa chỗ nào, test phần nào, hay cải tiến ra sao – mô hình LIFT sẽ cho bạn một bản đồ rõ ràng.
Hãy sử dụng mô hình LIFT để phân tích, để bạn hiểu hành vi người đọc sâu hơn, để nhìn landing page bằng ánh mắt của họ.
Tăng giá trị.
Tăng liên quan.
Tăng minh bạch.
Tăng khẩn cấp.
Giảm xao nhãng.
Giảm lo ngại.
6 yếu tố đơn giản. Nhưng nếu bạn kiên trì tối ưu từng phần, từng chiến dịch, từng dòng chữ — thì chuyển đổi sẽ dần tăng. Không ồn ào. Không bùng nổ. Nhưng đều đặn và vững chắc.
Và điều tuyệt vời là:
Đó là kết quả do chính bạn tạo ra – chứ không phải vay mượn từ ai khác.